Từ ngày hình thành đến nay, Ako Dhong đã tiến những bước dài để trở thành một buôn giàu mạnh nhất Tây Nguyên.
Một ngày từ cách đây rất nhiều mùa rẫy, có một chàng trai Ê Đê từ vùng đất Ma Đrăk (Đăk Lăk) vai đeo cung tên, tay cầm giáo mác quyết định đi tìm đất mới. Anh ta bất ngờ khi đến một buôn mới, thấy cuộc sống của người dân ở đây không hề giống bất kỳ một buôn Ê Đê nào.
Ở đấy có lớp dạy chữ, đi vệ sinh cũng phải làm… nhà, không dùng nước suối để ăn uống sinh hoạt, có những vị nữ thiện nguyện người lạ hoắc chỉ dạy cho dân cách sống sao cho thật tinh tươm. Chẳng do dự, chàng trai lập tức đi tìm buôn trưởng xin cho buôn mình được cùng đến sinh sống…
Ngay sau khi gia nhập buôn, Ama Hrin – tên chàng trai- đã nhanh chóng trở thành người ưu tú nhất buôn. Chỉ sau một thời gian Ama Hrin đã nói thành thạo cả tiếng Việt lẫn Pháp. Với tài trí và uy tín của mình, Ama Hrin đã thuyết phục được mọi người đổi tên buôn thành Ako Dhong (tức buôn thượng nguồn, bởi nơi đây là đầu nguồn của 6 con suối là: Ea Nuôl, Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung).
Ngôi nhà dài truyền thống ở Ako Dhong.
Ngôi nhà dài truyền thống ở Ako Dhong.
Ngày đó, tại vùng đất này, người Pháp đã trồng cà phê. Thấy việc này mạng lại lợi nhuận rất cao, Ama Hrin đã tìm mọi cách học kỹ thuật trồng cà phê. Khi đã thạo kỹ thuật, anh lại lặn lội tìm những cây cà phê do chồn, chim nhả hạt mọc trên rừng mang về trồng. Chẳng ngại gian nan, cuối cùng Ama Hrin cũng lấp đầy cà phê trên 40 mẫu đất của Ako Dhong. Và cũng từ đó, đồn điền cà phê đầu tiên của người Việt trên đất Tây Nguyên ra đời.
Ở tuổi 30, Ama Hrin đã được mọi người đặc cách làm trưởng buôn, làm chủ đồn điền. Đất ở đồn điền, Ama Hrin đem chia đều cho 40 hộ. Nhưng sản phẩm làm ra của mỗi gia đình phải được công khai chia đều cho mọi người, ai ốm đau sẽ được thêm phần và được giúp đỡ… Vừa trông coi việc canh tác cà phê
Ama Hrin vừa làm công tác “ngoại giao”. Với vốn tiếng Pháp sẵn có, anh đã trực tiếp giao dịch buôn bán với người Pháp. Nhờ thế sản phẩm của buôn làm ra luôn được bán với giá cao nhất.
Bằng những việc làm cụ thể, thuyết phục Ama Hrin đã biến Ako Dhong thành một gia đình lớn. Ở đấy, mọi người đều thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, đều chung sức xây dựng và bảo vệ buôn. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Ako Dhong đã trở thành buôn Ê Đê sung túc nhất vùng đất đỏ Tây Nguyên.
Ako Dhong giờ có 64 hộ đồng bào dân tộc Ê Đê, thuộc phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Hỏi chuyện, buôn trưởng Ako Dhong, ông Ama Nguôn tự hào: “Buôn mình chẳng còn ai nghèo cả”.
Bí thư phường Tân Lợi, ông Trần Văn Châu, cũng khẳng định: “Từ năm 2009, Ako Dhong đã không còn hộ nghèo. Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy ở đâu đồng bào dân tộc thiểu số lại có ý thức tự vươn lên mạnh mẽ như ở Ako Dhong. Con cháu trong buôn hầu hết đều được học hành bài bản. Tuy là buôn đồng bào thiểu số nhưng ở đấy, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công chức nhà nước, cũng như số người có trình độ đại học, cao đẳng thậm chí còn nhiều hơn rất nhiều các thôn làng của người Kinh”.
Ông Châu cũng cho biết, 7 năm liền Ako Dhong đạt danh hiệu buôn văn hóa. Gần 100% hộ gia đình ở đây đạt danh hiệu gia đình văn hóa. 100% trẻ em trong buôn đều được đến trường, trong đó có đến 90% học sinh học hết lớp 12. Tất cả các con đường trong buôn đều được bê tông hóa.
Ako Dhong không chỉ giàu mà rất đẹp, rất đặc biệt. Dù ngay giữa phố nhưng người dân vẫn quyết không cho bất kỳ ai động đến mấy ha rừng nguyên sinh của buôn. Họ bảo đấy là nguồn sống, là dưỡng khí, là mạch nguồn của nước… đụng vào đấy là mất tất cả.
Từ rất sớm, Ako Dhong đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp nhưng đến tận bây giờ ở đó, người dân vẫn duy trì việc làm rượu cần, dệt thổ cẩm và đặc biệt là giữ được mái nhà dài truyền thống. Người Ê Đê ở đây bảo: “Đấy tổ và tiên, là máu thịt, là… Ê Đê, không thể để nó lẫn với ai được”.
Cuối năm 2012, bà H’Linh Niê đã khởi công xây dựng ngôi nhà dài lớn nhất Tây Nguyên với kinh phí lên đến gần 3 tỷ đồng. Hỏi chuyện bà H’Linh cho biết: “Chẳng có gì hạnh phúc, ấm áp bằng việc sống trong ngôi nhà truyền thống của tổ tiên.
Vì thế tôi quyết định bỏ tiền dựng nhà dài để ở”.
Ở Ako Dhong bây giờ, con gái vẫn học dệt, con trai vẫn học đánh cồng chiêng, học cách làm rượu cần. Ami Dit nay đã hơn 50 tuổi, nhưng vẫn miệt mài bên khung dệt. Còn ông Ama Loan lại tự hào về việc mình đã truyền dạy cho nhiều người trẻ trong buôn biết đánh cồng chiêng. Ông không chỉ sưu tầm lưu giữ mà còn mày mò chế tạo ra nhạc cụ cho dân tộc, cho buôn làng mình.
0 nhận xét