3/1/18

LỄ CƯỚI HỎI CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ

Lễ cưới người Êđê là một nghi lễ của dân tộc Êđê, Tây Nguyên, Việt Nam. Lễ hỏi - cưới theo chế độ mẫu hệ. Theo truyền thống đó, người con gái đi hỏi và cưới chồng, chủ động hoàn toàn về mọi phí tổn trong hôn nhân, con trai đi làm rể bên nhà vợ.







Người Ê Đê gọi lễ cưới của mình là Yâo Ung Mỗ. Ngày nay trong phong tục của người Ê Đê vẫn theo chế độ mẫu hệ. Đối với người Ê Đê con gái phải đi hỏi chồng và sau khi cưới cả hai sẽ ở bên nhà vợ. Lễ cưới được cử hành theo nghi thức truyền thống trình tự theo bốn bước: Lễ hỏi chồng (Nao muh), Lễ thỏa thuận (Knăm), Lễ gọi chồng (Yâo Ung), Lễ lại mặt (Siê Knăm). Nghi thức trao vòng cầu hôn là một nghi thức hết sức quan trọng trong hôn lễ của người Ê Đê. Ý nghĩa của nghi lễ trao vòng cầu hôn là sự công nhận của thần linh, gia đình và cộng đồng cho đôi trai gái được trở thành chồng và vợ.

Lễ hỏi chồng (Nao muh) là bước đầu tiên trong hôn lễ

Khi cô gái trưởng thành tìm được người con trai ưng ý thì nói cho bố mẹ của cô biết. bố mẹ cô gái sẽ nhờ người đưa chiếc vòng sang mở đầu cho cuộc giao thiệp với nhà trai (vòng bằng nhiều chất liệu khác nhau tùy vào gia cảnh của mỗi gia đình). Khi người con trai đồng ý thì nhà gái sẽ sang để làm lễ trao vòng. Trường hợp nhà trai không đồng ý thì lễ sẽ dừng lại.

Trao vòng cầu hôn được thực hiện trong ngày lễ hỏi chồng. Cô gái, ông mai mối và những người anh em trai của mẹ cô gái còn gọi là Dăm dêi sẽ mang theo các phẩm vật bao gồm ché rượu, vòng đồng để cúng thần tại nhà trai. Nếu hai người đến với nhau không cùng trong buôn, người con gái phải mang thêm một gói cơm nếp.

Cả chàng trai và cô gái cùng chạm tay vào chiếc vòng bằng đồng, ông cậu cầu cúng Giàng. Đây được xem là lời đính ước hôn thú với sự chứng giám của thần linh, công nhận của cộng đồng, sự tác hợp của hai gia đình và sự thống nhất của đôi trai gái. Sau lễ trao vòng hai gia đình chính thức kết thông gia với nhau.

Mỗi gia đình cử ra một người gọi là Miết Ava (người đỡ đầu), Miết Ava sẽ thay mặt cho gia đình để tổ chức các nghi lễ để thành vợ chồng và trong suốt cuộc đời con lại sau này. Miết Ava đóng vai trò như bậc sinh thành của cô dâu và chú rể, đàm phán và hòa giải mọi việc lớn nhỏ giữa hai gia đình.
Sau khi trao vòng thì nhà trai cũng trao cho nhà gái một chiếc vòng để làm tin cho việc đính ước và thiết đãi một bữa cơm, rượu ngon mời nhà gái.
Lễ thỏa thuận (Knăm) là bước thứ hai;
Nghi lễ này chỉ là nghi lễ gặp gỡ giữa hai gia đình để thỏa thuận và thống nhất việc thách cưới do nhà trai đưa ra. Những gia đình Ê Đê giàu có sẽ thách cưới trâu, bò, chiêng, ché… Những gia đình trung bình sẽ thách cưới tùy theo hoàn cảnh. Cho dù đồ thách cưới ít hay nhiều thì vẫn không thể nào thiếu một ché rượu và một chiếc vòng bằng đồng.
Đám cưới người Ê Đê không thể thiếu chiếc vòng bằng đồng.
Thông thường nhà trai sẽ thách cưới một thanh la, một trâu, một gà, 10 ghè rượu, 2 kiềng (đồng hoặc vàng). Có nhiều đám hỏi phải hoãn lại vài năm vì nhà gái quá nghèo phải làm lụng để kiếm đủ đồ thách cưới cho nhà trai. Cũng có khi sự việc được thông cảm và cưới trước rồi sau đó cho nhà gái trả nợ dần.
Cô gái sẽ sang nhà trai làm dâu theo tục lệ truyền thống như là sự thử thách. Nếu cô gái trong thời gian này không làm hợp ý gia đình chồng thì nhà trai sẽ khước từ hôn thú và sẽ làm Lễ trả cô gái. Trong những trường hợp như vậy nhà trai sẽ đòi một phản chi phí phạt, thường là con lợn và ché rượu.
Lễ gọi chồng (Yâo Ung) đây là bước thứ ba trong phong tục cưới hỏi của người Ê Đê.
Khi đã đủ lễ vật thách cưới nhà gái trao cho bên nhà trai và xin cưới. Cả hai Miết Ava gặp nhau để bàn bạc và thống nhất những điều cam kết mới để đề phòng những việc ngoài ý muốn xảy ra khi đôi trẻ về sống cùng một nhà.
Ngay trong ngày cưới nhà gái sẽ đưa trang nhà trai các sính lễ như trâu, bũ, lợn, gà, rượu, quần áo… theo đúng thỏa thuận thách cưới giữa hai gia đình và kèm theo là chiếc vòng. Nếu nhà gái nghèo quá có thể chỉ nộp một phần, còn lại vợ chồng sẽ làm và nộp dần dần sau này.

Người Ê Đê vẫn giữ gìn những tập quán đẹp trong nghi thức cưới hỏi đến ngày nay
Lễ cưới diễn ra trong hai ngày liền, nhà gái sẽ làm lợn, bò để đãi khách rồi làm lễ rước rể về nhà. Nhà trai tiễn con về nhà vợ bằng một ché rượu và một con lợn. Khi về bên nhà vợ chú rể sẽ được cưỡi voi nếu như có voi còn không thì phải đi bộ sang. Ngày xưa khi rước rể, một tốp thanh niên tinh nghịch sẽ đón đường đám cưới và té nước vào chú rể để thay cho lời chúc phúc cho đôi bạn trẻ.

Khi vào nhà gái chàng rể phải rửa chân bằng nước lễ được chuẩn bị sẵn. Sau đó mọi người sẽ tiến hành lễ cúng cho mẹ chồng, lễ vật có ché rượu và một con lợn và tiếp đến là làm lễ cúng tổ tiên gồm 5 ché rượu và một con lợn. Một ông cậu lấy máu con vật hiến sinh bôi lên chân cho đôi vợ chồng mới cưới, chúc cho cô dâu và chú rể mỗi người hai miếng cơm và ba sừng rượu. Vị trưởng họ nhà gái đại diện hai bên đưa vòng đồng cho đôi vợ chồng trẻ, cố ý đợi cho họ chạm tay vào, nhắc nhở hai người phải thủy chung với nhau.

Tiếp theo nhà gái sẽ dùng ba chén rượu và ba chiếc vòng để trao cho chú rể, cậu ruột và anh ruột của chú rể. Nhà trai đáp lại bằng ba chén rượu và ba chiếc vòng lần lượt cho cô dâu, cậu ruột và anh ruột của cô dâu. Việc này mang ý nghĩa rằng có sự chứng kiến của thần linh và toàn thể buôn làng.

Khi các nghi thức tiến hành xong mọi người sẽ cùng nhau mổ lợn và ăn mừng tưng bừng. Trong khi đó hai ông cậu đưa rượu cho cô dâu và chú rể. Hai người cùng nhau uống cạn chén rượu hợp cẩn và cô dâu chú rể nghe những lời giáo huấn từ cha mẹ và hai họ. Khách đến dự đám cưới lần lượt đi qua trước mặt đôi vợ chồng trẻ và tặng quà kèm theo những lời chúc phúc.
Lễ lại mặt (Siê Knăm)
Là nghi thức cuối cùng trong phong tục cưới hỏi của người Ê Đê. Khi kết thúc toàn bộ thủ tục, nghi thức cưới hỏi đôi trẻ sẽ bước vào đời sống vợ chồng chính thức. Sau khoảng ba hoặc năm ngày hai vợ chồng sẽ đi về nhà bố mẹ chồng để làm lễ Siê Knăm.

Nhà trai mời rượu và đưa một số đồ dùng trong sinh hoạt gia đình hàng ngày đặt bên một ché rượu để chú rể mang về nhà vợ. Sau lễ lại mặt hai vợ chồng chung sống với nhau và xem đôi vòng đồng là kỷ vật, như sự minh chứng cho lời hứa thủy chung đến trọn đời. Hai người sẽ giữ kỷ vật đến trọn đời và truyền lại cho con cháu làm của hồi môn hoặc chôn theo khi chết.

0 nhận xét

 
© Tin Tức Tây Nguyên | VĂN HÓA Ê ĐÊ ĐẮK LẮK BUÔN MA THUỘT
Designed by KNUL - Laptop daklak - Thực hiện viết bài KNUL - Thiết kế và quản lý bởi thiet ke web buon ma thuot
Trở về TOP