7/3/15

Các địa điểm du lịch ở Đăk Lăk



Cùng Phượt – Nằm trên tuyến quốc lộ 14, cách Sài Gòn gần 400km, Đăk Lăk là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, giàu tiềm năng du lịch sinh thái. Phong cảnh nơi đây là sự thể hiện hoà hợp giữa những dòng sông hoà hợp với đồi núi, ao hồ, ghềnh thác và những khu rừng nguyên sinh tạo nên nhiều cảnh quan đẹp có tiếng như thác Bảy Nhánh, thác Krông Kmar, khu du lịch sinh thái Buôn Đôn, Hồ Lăk, Hồ Ea Kao. Với hơn 40 dân tộc cùng sinh sống đã tạo cho Đăk Lăk một bản sắc văn hoá vô cùng phong phú. Hãy một lần đến với vùng đất “có cái nắng, có cái gió” để khám bức tranh Đăk Lăk hùng vĩ, hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng.




Cách Buôn Ma Thuột gần 50 km về phía Tây-Bắc có một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ðó là Buôn Ðôn (Bản Đôn) , nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái… Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch Đăk Lăk và Tây Nguyên nói chung.
Voi phục vụ cho du lịch tại Buôn Đôn (Ảnh – Cùng Phượt)


Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, nghĩa là làng Ðảo, vì luôn được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Ðôn đầy bí ẩn, kỳ thú và như còn vang vọng những âm thanh hào hùng của các cuộc săn voi từ xa xưa. Dưới con mắt những nhà chuyên môn, Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại du lịch: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nơi đây có Vườn quốc gia Yok Ðôn rộng hơn 100 ngàn ha là bảo tàng phong phú về động thực vật tự nhiên.

Nhiều vị khách du lịch cho rằng, đến Đăk Lăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên Đăk Lăk; như vậy có thể nói rằng khu du lịch Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh của tỉnh ĐăkLăk.

Hiện nay, thương hiệu du lịch Buôn Đôn đang được 3 đơn vị khai thác. Từ Trung tâm huyện Buôn Đôn đi vào khoảng 15km, rẽ tay trái chừng 500m bạn sẽ gặp trước tiên là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, đây là công ty đang khai thác Làng đảo Bản Đôn và thác Bảy Nhánh. Đến đây, bạn được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên.
Trung tâm du lịch Buôn Đôn (Ảnh – Cùng Phượt)


Tạm biệt Làng đảo Bản Đôn, bạn đi thêm chừng 5km nữa là đến Trung tâm Du lịch Buôn Đôn do Công ty Du lịch và Khách sạn Biệt Điện quản lý. Tại đây, khách du lịch sẽ được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng, nếu ai muốn có “cảm giác mạnh” thì cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh những cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi, bạn còn được thưởng thức một cảm giác mạnh khác là cái lắc lư nghiêng ngã của cầu treo Buôn Đôn, với chiếc cầu treo dài trên 100 mét bắc ngang lưng chừng những rặng si già vượt qua dòng sông dữ đến ốc đảo Ea Nô, với bãi tắm tiên, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ… . Trên cầu treo, có những “mặt bằng” tươm tất và mát mẽ dành cho du khách nghỉ ngơi và ăn uống ngay trên mặt nước.

Ngoài các dịch vụ trên, bạn còn được tham quan nhà trưng bày các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các dụng cụ săn bắt voi; được nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, các phong tục tập quán và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng. Bên cạnh đó, bạn còn được tham quan nhà sàn cổ được xây dựng theo kiến trúc Lào đã tồn tại trên 120 năm qua hiện nay vẫn còn người sinh sống; được tham quan mộ Vua săn voi “KhunJuNốp”, đi thuyền độc mộc trên hồ Ea Rông, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc bản địa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực Tây Nguyên như rượu cần, cơm lam, gà nướng, canh chua cá sông…
Khu du lịch đồi Tâm Linh (Chùa Tâm Linh)
Chùa Tâm Linh với kiến trúc mở, hòa mình với thiên nhiên (Ảnh – Cùng Phượt)


Chùa Tâm Linh nằm ở huyện Buôn Đôn, trong khu du lịch Đồi Tâm Tinh đi qua trung tâm du lịch Buôn Đôn khoảng 5km sẽ có biển chỉ dẫn phía bên tay phải.
Tượng quan âm trong khuôn viên chùa (Ảnh – Cùng Phượt)


Tại đây, có tượng phật Quan Âm cao gần 40 mét. Xung quanh là vườn tượng 18 vị La Hán được chạm khắc trên đá với nhiều tâm trạng khác nhau. Toàn khu vực này được đầu tư tỉ mỉ, tạo thành một không gian tâm linh rộng lớn, chạy dài từ chân đến đỉnh đồi. Chùa ở đây không xây dựng hoành tráng mà chỉ làm bằng mái tranh, cột kèo được sử dụng từ tre và gỗ. Kiến trúc chùa là không gian mở, không có cửa.
Mộ vua săn bắt Voi (Khunjunob)

Mộ vua săn voi (Ảnh – Cùng Phượt)


Du khách đến Buôn Đôn khi muốn tìm hiểu lịch sử mảnh đất này hẳn không thể bỏ qua việc ghé thăm Mộ Vua săn voi, một chứng tích bất biến của quá trình hình thành và phát triển của vùng đất nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Khunjunob tên thật là N’Thu K’nul, sinh năm 1828, một vị tù trưởng đầy quyền lực và được nhân dân khắp vùng kính phục, người đã khai sinh ra Buôn Đôn, có công lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nơi đây. Cả đời mình, ông đã sống, làm việc, lãnh đạo dân làng Buôn Đôn, rồi chọn nơi này làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Sau khi ông mất, việc hành lễ, bỏ mã, lập mộ cho ông do người cháu (gọi ông bằng cậu) tên là R’Leo đứng ra lo liệu. Buôn Đôn lúc bấy giờ đã là một nhóm cộng đồng đa sắc tộc mà thành phần chủ yếu là dân tộc M’nông, Êđê và Lào nên R’Leo và dân làng đã quyết định xây dựng mộ ông dựa theo kiến trúc M’nông – Lào kết hợp theo mô – típ hình khối được trang trí bằng các búp sen trên bốn góc và đỉnh mộ để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với vị tù trưởng quá cố.

Khu mộ vua săn voi nằm trong nghĩa trang (nhà mồ) Buôn Đôn là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa thể hiện qua các mô – típ kiến trúc mang dáng dấp riêng của từng dân tộc, từ kiến trúc văn hóa nhà mồ đặc trưng Tây Nguyên với nghệ thuật trang trí, hình tượng được chạm trổ khá công phu trên chất liệu bằng gỗ đến kiến trúc nhà mồ hình khối có trang trí các búp sen bằng chất liệu kết dính theo văn hóa Lào và cả kiến trúc nhà mồ theo văn hóa xứ sở chùa tháp Campuchia.
Vườn quốc gia Yok Đôn
Du khách cưỡi voi tham quan vườn quốc gia Yok Đôn


Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn 4 xã thuộc 3 huyện: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, xã Ea Bung, Chư M’Lanh huyện Ea Súp (tỉnh Đăk Lăk) và xã Ea Pô huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông); vườn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về phía tây bắc. Là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, có diện tích 115.545ha, chưa kể 133.890ha vùng đệm bao quanh vườn.

Điều hấp dẫn du khách khi tới đây là cảnh quan hoang sơ của núi rừng. Những cánh rừng đại ngàn của vườn Quốc gia Yok Đôn thuộc hệ sinh thái rừng khộp của Tây Nguyên, mang đặc tính của rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Vườn Quốc gia Yok Đôn là nơi cư trú của 62 loài động vật, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư và 464 loài thực vật, phần lớn là Ngọc Lan. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của Đông Dương, Yok Đôn có tới 38 loài, 17 loài có tên trong sách đỏ thế giới.

Hoàng hôn Yok Đôn


Du khách tới đây sẽ có dịp khám phá nhiều điều kỳ thú, được cưỡi voi dạo chơi dưới tán rừng xanh mát, thưởng thức hương thơm của các loài lan rừng, quây quần bên ché rượu cần nghe già làng kể về những truyền thuyết của vùng đất này.
Vườn quốc gia Chư Yang Sin
Đỉnh núi Chư Yang Sin


Chư Yang Sin là dãy núi có nhiều đỉnh núi, trong đó có đỉnh Chư Yang Sin cao nhất Đắk Lắk (2.442m), nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 60km về phía đông nam, diện tích 59.667ha với địa hình chia làm nhiều sườn dốc, khí hậu nhiệt đới núi cao tạo thành nhiều loại rừng khác nhau với nhiều loài động thực vật, trong đó có 44 loài động thực vật quí hiếm đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam như: Quạ, Khách Đuôi Cờ, Hồng Hoàng, Bói Cá lớn,…
Trekking trong vườn quốc gia Chư Yang Sin


Chư Yang Sin đặc biệt hấp dẫn những du khách ưa thích mạo hiểm và những nhà nghiên cứu khoa học bởi những điều kỳ thú và sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên.
Hồ Lăk và Biệt điện Bảo Đại
Hồ Lăk thơ mộng


Khi nhắc đến Buôn Mê Thuột, hẳn bạn sẽ nghĩ đến hình ảnh của những rừng cà phê bạt ngàn, những cốc cà phê nghi ngút khói, những lễ hội cồng chiêng rộn ràng, hoặc hình ảnh những chú voi lừng lững giữa đại ngàn…Thế nhưng ở Buôn Mê còn có một địa danh đã đi vào huyền thoại, đó là hồ Lắk.

Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) huyện Lắk, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27. Qua đèo Lạc Thiện khoảng 10 km trước khi vào thị trấn Lạc Thiện sẽ nhìn thấy hồ nằm bên tay phải. Còn không gian của khu rừng lịch sử, văn hóa, môi trường hồ Lắk còn bao trùm các xã Bông Krang, Yang Tao, Đắk Liêng.

Đây là hồ tự nhiên có độ lớn nhất còn hơn cả Biển Hồ (tỉnh Gia Lai). Dân tộc bản địa ở đây còn có cả một huyền thoại nói hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ.
Hồ Lăk (Ảnh – hung_nt)


Theo truyền thuyết của người Mơ Nông, thuở xa xưa, thần lửa đã chiến thắng thần nước sau một cuộc chiến quyết liệt kéo dài nhiều mùa rẫy, khiến buôn làng của người Mơ Nông chìm trong đại hạn. Trong lúc đó, có một chàng trai được sinh ra giữa cuộc tình của cô gái người Mơ Nông với thần lửa. Để chuộc lại lỗi lầm của cha mẹ, chàng trai đã ra đi tìm nguồn nước cứu dân làng. Sau nhiều ngày đêm vượt qua núi non hiểm trở đầy thú dữ, một lần ngồi nghỉ chàng chợt nhìn thấy chú lươn nhỏ nằm kẹt trong khe đá đang chờ chết khô. Để trả ơn, lươn đã dẫn chàng trai đến một hồ nước mênh mông và người Mơ Nông đã đến định cư tại đây. Hồ nước và vùng đất đó chính là hồ Lắk ngày nay.
(Ảnh – hung_nt)


Hồ rộng trên 5 km, được thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thắm, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng và có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú. Nơi đây đang là điểm du lịch sinh thái độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước. Khởi nguồn của những mạch nước từ dãy núi Chư Yang Sin, sau khi len lỏi qua các cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, tất cả đã cùng nhau hội tụ ở vùng đất trũng bên thị trấn Lạc Thiện của huyện Lắk, hình thành nên hồ Lắk rộng mênh mông trên tuyến đường giao thông nối giữa hai thành phố Buôn Ma Thuột và Đà Lạt

1 nhận xét

 
© Tin Tức Tây Nguyên | VĂN HÓA Ê ĐÊ ĐẮK LẮK BUÔN MA THUỘT
Designed by KNUL - Laptop daklak - Thực hiện viết bài KNUL - Thiết kế và quản lý bởi thiet ke web buon ma thuot
Trở về TOP