Cùng Phượt – Nằm trên tuyến quốc lộ 14, cách Sài Gòn gần 400km, Đăk Lăk là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, giàu tiềm năng du lịch sinh thái. Phong cảnh nơi đây là sự thể hiện hoà hợp giữa những dòng sông hoà hợp với đồi núi, ao hồ, ghềnh thác và những khu rừng nguyên sinh tạo nên nhiều cảnh quan đẹp có tiếng như thác Bảy Nhánh, thác Krông Kmar, khu du lịch sinh thái Buôn Đôn, Hồ Lăk, Hồ Ea Kao. Với hơn 40 dân tộc cùng sinh sống đã tạo cho Đăk Lăk một bản sắc văn hoá vô cùng phong phú. Hãy một lần đến với vùng đất “có cái nắng, có cái gió” để khám bức tranh Đăk Lăk hùng vĩ, hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng.
Cụm thác Dray Nur – Dray Sap là một trong những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch |
©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của tác giả hung_nt, nhocdenthuinhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Con sông Serepok chảy qua Buôn Đôn |
Cách Buôn Ma Thuột gần 50 km về phía Tây-Bắc có một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ðó là Buôn Ðôn (Bản Đôn) , nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái… Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch Đăk Lăk và Tây Nguyên nói chung.
Voi phục vụ cho du lịch tại Buôn Đôn (Ảnh – Cùng Phượt) |
Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, nghĩa là làng Ðảo, vì luôn được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Ðôn đầy bí ẩn, kỳ thú và như còn vang vọng những âm thanh hào hùng của các cuộc săn voi từ xa xưa. Dưới con mắt những nhà chuyên môn, Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại du lịch: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nơi đây có Vườn quốc gia Yok Ðôn rộng hơn 100 ngàn ha là bảo tàng phong phú về động thực vật tự nhiên.
Nhiều vị khách du lịch cho rằng, đến Đăk Lăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên Đăk Lăk; như vậy có thể nói rằng khu du lịch Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh của tỉnh ĐăkLăk.
Hiện nay, thương hiệu du lịch Buôn Đôn đang được 3 đơn vị khai thác. Từ Trung tâm huyện Buôn Đôn đi vào khoảng 15km, rẽ tay trái chừng 500m bạn sẽ gặp trước tiên là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, đây là công ty đang khai thác Làng đảo Bản Đôn và thác Bảy Nhánh. Đến đây, bạn được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên.
Trung tâm du lịch Buôn Đôn (Ảnh – Cùng Phượt) |
Tạm biệt Làng đảo Bản Đôn, bạn đi thêm chừng 5km nữa là đến Trung tâm Du lịch Buôn Đôn do Công ty Du lịch và Khách sạn Biệt Điện quản lý. Tại đây, khách du lịch sẽ được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng, nếu ai muốn có “cảm giác mạnh” thì cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh những cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi, bạn còn được thưởng thức một cảm giác mạnh khác là cái lắc lư nghiêng ngã của cầu treo Buôn Đôn, với chiếc cầu treo dài trên 100 mét bắc ngang lưng chừng những rặng si già vượt qua dòng sông dữ đến ốc đảo Ea Nô, với bãi tắm tiên, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ… . Trên cầu treo, có những “mặt bằng” tươm tất và mát mẽ dành cho du khách nghỉ ngơi và ăn uống ngay trên mặt nước.
Ngoài các dịch vụ trên, bạn còn được tham quan nhà trưng bày các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các dụng cụ săn bắt voi; được nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, các phong tục tập quán và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng. Bên cạnh đó, bạn còn được tham quan nhà sàn cổ được xây dựng theo kiến trúc Lào đã tồn tại trên 120 năm qua hiện nay vẫn còn người sinh sống; được tham quan mộ Vua săn voi “KhunJuNốp”, đi thuyền độc mộc trên hồ Ea Rông, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc bản địa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực Tây Nguyên như rượu cần, cơm lam, gà nướng, canh chua cá sông…
Khu du lịch đồi Tâm Linh (Chùa Tâm Linh)
Chùa Tâm Linh với kiến trúc mở, hòa mình với thiên nhiên (Ảnh – Cùng Phượt) |
Chùa Tâm Linh nằm ở huyện Buôn Đôn, trong khu du lịch Đồi Tâm Tinh đi qua trung tâm du lịch Buôn Đôn khoảng 5km sẽ có biển chỉ dẫn phía bên tay phải.
Tượng quan âm trong khuôn viên chùa (Ảnh – Cùng Phượt) |
Tại đây, có tượng phật Quan Âm cao gần 40 mét. Xung quanh là vườn tượng 18 vị La Hán được chạm khắc trên đá với nhiều tâm trạng khác nhau. Toàn khu vực này được đầu tư tỉ mỉ, tạo thành một không gian tâm linh rộng lớn, chạy dài từ chân đến đỉnh đồi. Chùa ở đây không xây dựng hoành tráng mà chỉ làm bằng mái tranh, cột kèo được sử dụng từ tre và gỗ. Kiến trúc chùa là không gian mở, không có cửa.
Mộ vua săn bắt Voi (Khunjunob)
Mộ vua săn voi (Ảnh – Cùng Phượt) |
Du khách đến Buôn Đôn khi muốn tìm hiểu lịch sử mảnh đất này hẳn không thể bỏ qua việc ghé thăm Mộ Vua săn voi, một chứng tích bất biến của quá trình hình thành và phát triển của vùng đất nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Khunjunob tên thật là N’Thu K’nul, sinh năm 1828, một vị tù trưởng đầy quyền lực và được nhân dân khắp vùng kính phục, người đã khai sinh ra Buôn Đôn, có công lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nơi đây. Cả đời mình, ông đã sống, làm việc, lãnh đạo dân làng Buôn Đôn, rồi chọn nơi này làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Sau khi ông mất, việc hành lễ, bỏ mã, lập mộ cho ông do người cháu (gọi ông bằng cậu) tên là R’Leo đứng ra lo liệu. Buôn Đôn lúc bấy giờ đã là một nhóm cộng đồng đa sắc tộc mà thành phần chủ yếu là dân tộc M’nông, Êđê và Lào nên R’Leo và dân làng đã quyết định xây dựng mộ ông dựa theo kiến trúc M’nông – Lào kết hợp theo mô – típ hình khối được trang trí bằng các búp sen trên bốn góc và đỉnh mộ để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với vị tù trưởng quá cố.
Khu mộ vua săn voi nằm trong nghĩa trang (nhà mồ) Buôn Đôn là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa thể hiện qua các mô – típ kiến trúc mang dáng dấp riêng của từng dân tộc, từ kiến trúc văn hóa nhà mồ đặc trưng Tây Nguyên với nghệ thuật trang trí, hình tượng được chạm trổ khá công phu trên chất liệu bằng gỗ đến kiến trúc nhà mồ hình khối có trang trí các búp sen bằng chất liệu kết dính theo văn hóa Lào và cả kiến trúc nhà mồ theo văn hóa xứ sở chùa tháp Campuchia.
Vườn quốc gia Yok Đôn
Du khách cưỡi voi tham quan vườn quốc gia Yok Đôn |
Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn 4 xã thuộc 3 huyện: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, xã Ea Bung, Chư M’Lanh huyện Ea Súp (tỉnh Đăk Lăk) và xã Ea Pô huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông); vườn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về phía tây bắc. Là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, có diện tích 115.545ha, chưa kể 133.890ha vùng đệm bao quanh vườn.
Điều hấp dẫn du khách khi tới đây là cảnh quan hoang sơ của núi rừng. Những cánh rừng đại ngàn của vườn Quốc gia Yok Đôn thuộc hệ sinh thái rừng khộp của Tây Nguyên, mang đặc tính của rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Vườn Quốc gia Yok Đôn là nơi cư trú của 62 loài động vật, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư và 464 loài thực vật, phần lớn là Ngọc Lan. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của Đông Dương, Yok Đôn có tới 38 loài, 17 loài có tên trong sách đỏ thế giới.
Hoàng hôn Yok Đôn |
Du khách tới đây sẽ có dịp khám phá nhiều điều kỳ thú, được cưỡi voi dạo chơi dưới tán rừng xanh mát, thưởng thức hương thơm của các loài lan rừng, quây quần bên ché rượu cần nghe già làng kể về những truyền thuyết của vùng đất này.
Vườn quốc gia Chư Yang Sin
Đỉnh núi Chư Yang Sin |
Chư Yang Sin là dãy núi có nhiều đỉnh núi, trong đó có đỉnh Chư Yang Sin cao nhất Đắk Lắk (2.442m), nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 60km về phía đông nam, diện tích 59.667ha với địa hình chia làm nhiều sườn dốc, khí hậu nhiệt đới núi cao tạo thành nhiều loại rừng khác nhau với nhiều loài động thực vật, trong đó có 44 loài động thực vật quí hiếm đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam như: Quạ, Khách Đuôi Cờ, Hồng Hoàng, Bói Cá lớn,…
Trekking trong vườn quốc gia Chư Yang Sin |
Chư Yang Sin đặc biệt hấp dẫn những du khách ưa thích mạo hiểm và những nhà nghiên cứu khoa học bởi những điều kỳ thú và sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên.
Hồ Lăk và Biệt điện Bảo Đại
Hồ Lăk thơ mộng |
Khi nhắc đến Buôn Mê Thuột, hẳn bạn sẽ nghĩ đến hình ảnh của những rừng cà phê bạt ngàn, những cốc cà phê nghi ngút khói, những lễ hội cồng chiêng rộn ràng, hoặc hình ảnh những chú voi lừng lững giữa đại ngàn…Thế nhưng ở Buôn Mê còn có một địa danh đã đi vào huyền thoại, đó là hồ Lắk.
Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) huyện Lắk, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27. Qua đèo Lạc Thiện khoảng 10 km trước khi vào thị trấn Lạc Thiện sẽ nhìn thấy hồ nằm bên tay phải. Còn không gian của khu rừng lịch sử, văn hóa, môi trường hồ Lắk còn bao trùm các xã Bông Krang, Yang Tao, Đắk Liêng.
Đây là hồ tự nhiên có độ lớn nhất còn hơn cả Biển Hồ (tỉnh Gia Lai). Dân tộc bản địa ở đây còn có cả một huyền thoại nói hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ.
Hồ Lăk (Ảnh – hung_nt) |
Theo truyền thuyết của người Mơ Nông, thuở xa xưa, thần lửa đã chiến thắng thần nước sau một cuộc chiến quyết liệt kéo dài nhiều mùa rẫy, khiến buôn làng của người Mơ Nông chìm trong đại hạn. Trong lúc đó, có một chàng trai được sinh ra giữa cuộc tình của cô gái người Mơ Nông với thần lửa. Để chuộc lại lỗi lầm của cha mẹ, chàng trai đã ra đi tìm nguồn nước cứu dân làng. Sau nhiều ngày đêm vượt qua núi non hiểm trở đầy thú dữ, một lần ngồi nghỉ chàng chợt nhìn thấy chú lươn nhỏ nằm kẹt trong khe đá đang chờ chết khô. Để trả ơn, lươn đã dẫn chàng trai đến một hồ nước mênh mông và người Mơ Nông đã đến định cư tại đây. Hồ nước và vùng đất đó chính là hồ Lắk ngày nay.
(Ảnh – hung_nt) |
Hồ rộng trên 5 km, được thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thắm, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng và có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú. Nơi đây đang là điểm du lịch sinh thái độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước. Khởi nguồn của những mạch nước từ dãy núi Chư Yang Sin, sau khi len lỏi qua các cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, tất cả đã cùng nhau hội tụ ở vùng đất trũng bên thị trấn Lạc Thiện của huyện Lắk, hình thành nên hồ Lắk rộng mênh mông trên tuyến đường giao thông nối giữa hai thành phố Buôn Ma Thuột và Đà Lạt.
Biệt thự của vua Bảo Đại nhìn thẳng ra Hồ Lăk |
Tọa trên đỉnh đồi xanh pha màu hoa sứ trắng là khu biệt thự cũ của vua Bảo Đại ngày xưa. Ngôi biệt thự có hướng về phía mặt hồ và là nơi thích hợp để ngắm cảnh hồ, an dưỡng và nghỉ ngơi.
Đến với hồ Lắk, du khách có thể cưỡi voi hoặc đi thuyền độc mộc để ngắm cảnh hồ. Khi lên bờ du khách có thể thực hiện những cuộc dã ngoại vào buôn làng Mơ Nông hoặc đi sâu vào trong rừng để khám phá những điều bí ẩn cuộc sống của chim chóc, muông thú.
Buôn Jun – Buôn Lê
Cổng vào Buôn Jun |
Thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk. Đặc điểm: Nằm tựa mình bên hồ Lăk trong xanh thơ mộng, buôn Jun mang một vẻ đẹp nguyên sơ hiền hòa của buôn làng Tây Nguyên. Tuy thuộc về thị trấn Liên Sơn (huyện Lăk) nhưng buôn Jun vẫn như một thiếu nữ miền sơn cước luôn giữ cho mình những bản sắc truyền thống đã được bảo tồn qua bao thế hệ.
Kiến trúc đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên |
Đến buôn Jun, nhìn những ngôi nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ truyền của đồng bào Tây Nguyên nép mình dưới bóng cây xanh, ngắm các thiếu nữ buôn làng chăm chỉ cần mẫn bên khung dệt thổ cẩm…, du khách sẽ ngỡ như mình đang ngược dòng thời gian trở về với khung cảnh thanh bình, nên thơ đẫm chất huyền thoại đã từng in dấu ấn vào những bản trường ca thuở xa xưa. Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, buôn Jun vẫn bảo lưu và phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán cổ truyền mà tổ tiên để lại. Nếp sống và sinh hoạt của đồng bào dân tộc buôn Jun mang một nét đặc trưng riêng vốn đã được định hình từ hàng trăm năm trước.
Thích thú với việc cưỡi voi đi quanh buôn |
Về với buôn Jun, du khách sẽ được cưỡi voi ngắm cảnh núi non, buôn làng, hồ nước mênh mang lao xao sóng vỗ. Nếu một lần ở lại buôn Jun, còn gì thi vị hơn khi du khách được ngồi bên khung cửa nhà sàn, ngắm những đêm trăng đẹp như trong cổ tích, gió từ hồ Lăk thổi tới mang theo cái lạnh mơn man da thịt. Quây quần cùng mọi người bên ché rượu cần, du khách được nghe già làng kể khan, kể về những truyền thuyết, huyền thoại của vùng đất này thuở hồng hoang. Cái cảm giác ngất ngay, lâng lâng bởi men say rượu cần sẽ đưa bạn vào giấc ngủ nhẹ nhàng từ lúc nào không hay biết.
Chèo thuyền trên Hồ Lăk |
Một thú vui khác nữa khi đến với nơi này là du khách được chèo thuyền trên hồ Lăk, Thưởng thức cơm lam và những đặc sản của hồ Lăk như: cá, lươn, ốc cùng nhiều món ăn dân dã đậm đà hương vị của đồng quê cao nguyên. Nếu về buôn Jun vào mùa lễ hội, bạn sẽ được đắm mình trong không khí tưng bừng náo nhiệt bởi âm vang của cồng chiêng, của những lời ca điệu múa truyền thống đầy chất trữ tình và lãng mạn.
Khách du lịch có thể nghỉ lại tại Buôn Jun |
Buôn Jun là điểm du lịch đầy ấn tượng đối với những ai tìm hiểu, khám phá về nét đẹp văn hóa của Buôn Đôn làng cổ Tây Nguyên. Mời bạn hãy một lần đến với buôn Jun bởi sẽ có nhiều thú vị đang chờ đón…
Thác Dray Sáp
Thác Chồng – Dray Sap |
Thác Đray Sáp là một thác nước trên dòng sông Serepôk. Thác Đray Sáp còn có tên gọi nữa là thác Chồng; cách đó không xa là thác Đray Nur (hay thác Vợ) thuộc địa phận tỉnh Đăk Lăk. Thác Đray Sáp thuộc xã Nam Hà, huyện Krông K’Nô, tỉnh Đăk Nông, và cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 30 km về hướng Nam.
Theo tiếng Êđê, Dray Sap có nghĩa là “thác khói” (dray: thác, sap: Khói), bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là là như màu sương khói.
Thác Dray Sap (Ảnh – Cùng Phượt) |
Ngày xưa có một thiếu nữ Êđê xinh đẹp tên là H’Mi. Nhiều chàng trai giàu có từ khắp các buôn làng M’Nông, Êđê đến đây cầu hôn nhưng bị nàng cự tuyệt bởi lẽ nàng đã trót thầm yêu trộm nhớ một chàng trai hiền lành nhưng nghèo khổ cùng ở chung buôn với nàng. Một hôm, nàng cùng người yêu đi ra rừng ngồi nghỉ trên một tảng đá lớn. Đột nhiên có một con quái vật từ đâu xuất hiện, đầu nó to như quả núi, mắt đỏ như lửa. Từ trên cao, con quái vật lao xuống dùng chiếc miệng ngậm nước sông rồi quật mạnh lên tạo thành cột nước khổng lồ quét đi về phía hai người. Chàng trai bị bắn văng ra xa rồi ngất đi. Đến khi tỉnh dậy mới hay người yêu đã bị con quái vật bắt mang đi mất. Chàng vô cùng đau khổ, sau đó hóa thành một cây to đâm rễ sâu vào tảng đá. Toàn thân phát ra những tiếng kêu than vãn, nhung nhớ, đau thương. Chỗ chàng trai bây giờ là rừng cây bên bờ đá của dòng thác. Còn chỗ con quái vật lao xuống đã trở thành thác nước ngày nay. Vào mùa xuân thác cao 12 m, rộng 120 m, và vào mùa khô thác cao 8 m, rộng 80 m.
Thác Dray Nur
Thác Dray Nur (Ảnh – Cùng Phượt) |
Thác Đray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống 3 thác: Gia Long – Đray Nur – Dray Sáp của sông Serepôk, tỉnh Đắk Nông. Đray Nur nghĩa là thác cái. Vì thế thác còn có tên thông tục là thác Vợ, thác này cũng được gọi Đray Nur thượng như thác Thác Gia Long phần Đray Nur hạ nằm ở tỉnh Đắk Nông. Đray Nur nằm ngay cạnh Thác Đray Sáp thuộc tỉnh Đăk Nông và chỉ cách Đray Sáp một đoạn cầu treo bắt qua dòng sông Serepôk. Cả hai cùng là những thác nước đẹp và hùng vĩ. Thác Đray Nur được ít người biết đến vì lầm tưởng nằm trong cụm thác Đray Sáp nhưng thực ra khi đến đây dòng sông Serepốk chia ra làm 2 nhánh nhỏ đổ xuống hai dòng thác và nhập lại ở phía dưới, cách đó không xa.
Thác Vợ – Dray Nur |
Khác với những ngọn thác khác ở cao nguyên này, thác Đray Nur gắn với hai truyền thuyết khác nhau, với hai cách giải thích tên khác nhau. Với giải thích Đray Nur – nghĩa là thác cái, thác vợ – thác gắn liền với mối tình “Romeo và Juliet” của núi rừng. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái của hai bản khác nhau yêu nhau tha thiết nhưng do hai bản có xung đột với nhau nên tìm đủ mọi cách ngăn cấm. Không nhận được sự cảm thông của dân làng, không thể hòa giải xung đột giữa hai bản, vào một đêm trăng, cả hai đã nhảy xuống sông để trọn đời bên nhau. Tức giận vì sự ích kỷ của dân làng dẫn đến quyết định sai lầm của đôi trẻ, trời nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng cao, chia sông thành hai nhánh, ngăn cách đường đi của 2 dòng tộc. Truyền thuyết khác lại bắt nguồn từ hang động phía sau thác, nơi được cho là nơi ở của vua thủy tề. Ngày xưa vua Thủy Tề có một đứa con trai tên là Nur, chàng hoàng tử rất khôi ngô tuấn tú và rất thích chu du ngắm cảnh. Một ngày nọ, chàng gặp 2 nàng công chúa, con của vị vua vùng đất mình ngang qua. Hai nàng rất xinh đẹp nhưng do vua cha mất sớm nên cuộc sống trở nên nghèo khó, phải đào củ mài mà ăn. Thương hai nàng vất vả, chàng theo nàng về nhà, làm phép để thạp gạo trong nhà đầy tràn, và sống hạnh phúc cùng hai nàng. Một thời gian sau, chàng nhớ vua cha, muốn về thủy cung thăm người. Nhưng công chúa, vợ chàng lo sợ nếu chồng đi thì sẽ rất lâu, thậm chí không trở về nên tìm đủ mọi cách giữ chàng, một bước không rời. Không còn cách nào khác, chàng đành hóa thân thành con dũi vàng, vượt màn nước vào động thăm cha. Người vợ cứ đứng đợi bên ngoài, đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy Nur trở lại. Từ đó, người dân nơi đây gọi ngọn thác này là Dray Nur, nghĩa là thác con dũi vàng. Hai truyền thuyết khác nhau nhưng những dòng nước lao từ những vách đá thẳng đứng, vỡ ra từng giọt, tung tóe vào nhau, xô đẩy nhau của thác lại giống nhau ở một điểm, đó là tựa như những giọt nước mắt khóc kẻ ở người đi.
Thác Gia Long
Thác Gia Long |
Thác Gia Long hay còn gọi là Đray Sáp Thượng một thác nước trên sông Serepôk thuộc địa phận xã Dray Sáp huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk và xã Đăk Sôr của huyện Krông K’Nô, tỉnh Đắc Nông. Năm 1930-1933, thực dân Pháp đã huy động dân phu và tù nhân ở nhà đày Buôn Ma Thuột lao dịch hết sức cực nhọc, gian khổ dưới đòn roi tra tấn, cực hình của chúng để xây dựng một đoạn đường vòng cung đi qua thác cùng với chiếc cầu treo đi qua sông Ea Krông.
Thác Krông K’mar
Khu du lịch thác Krong Kmar |
Từ trung tâm huyện Krông Bông ngược về phía dãy Chư Yang Sin khoảng 3 cây số, bạn sẽ gặp một thắng cảnh đẹp của Đắk Lắk đó là thác Krông Kmar. Bắt nguồn từ đỉnh cao nhất của dãy Chư Yang Sin hùng vĩ được mệnh danh là mái nhà của Tây Nguyên, dòng Krông Kmar đổ xuống chân núi, tạo thành thác Krông Kmar mang dáng vẻ hoang sơ, thơ mộng mà ai đã một lần đến đây hẳn sẽ còn nhớ mãi.
Mùa cạn nước |
Ở phía đầu nguồn, từ trên đỉnh Chư Yang Sin, dòng nước tuôn tràn xuống tạo thành những bậc thác nối tiếp nhau. Dòng nước của Krông Kmar đổ xuống các bậc đá tung bọt trắng xóa, tạo nên một dây chuyền âm thanh ầm ào vang động cả khu rừng nguyên sinh. Cạnh những cột nước của thác có rất nhiều tảng đá to và phẳng như mặt bàn để du khách dừng chân ngắm cảnh hay tổ chức những cuộc liên hoan nhẹ ngay giữa lòng suối.
Từ đây những ai thích khám phá phong cảnh núi rừng có thể đi bộ theo dòng thác ngược về hướng thượng nguồn và sẽ lên đến nơi bắt đầu của dòng Krông Kmar. Bạn sẽ rất ngỡ ngàng khi không ngờ rằng ở trên non cao của dãy Chư Yang Sin lại có một hồ nước rộng xanh trong và sâu hàng chục mét nằm giữa một rừng thông quanh năm vi vu khúc nhạc hòa cùng tiếng hót du dương thánh thót của nhiều loại chim rừng. Khác với phía dưới luôn ào ào thác đổ, ơ đây rất yên vắng, gần gũi với những ai muốn đi tìm cho mình một khung cảnh tĩnh mịch và thi vị giữa thiên nhiên hoang dã.
Đến với thác Krông Kmar bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đầy ấn tượng mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, được đầm mình giữa những bãi tắm rộng trong làn nước mát trong xanh soi rõ từng viên cuội sỏi. Những giờ phút dạo chơi, vãn cảnh bên dòng thác sẽ mang đến cho bạn cái cảm giác thư thái, sảng khoái, xua tan những mệt mỏi sau chuỗi ngày làm việc căng thẳng.
Một điều thú vị nữa là bạn sẽ còn được cưỡi voi của đồng bào Êđê thực hiện cuộc leo núi chinh phục đỉnh Chư Yang Sin, hoặc thưởng thức hương vị khó quên của rượu cần Tây Nguyên ….
Sau một thời gian bị lãng quên, vài năm trở lại đây, thác Krông Kmar đã trở thành một địa chỉ du lịch quen thuộc của nhiều người. Vào các dịp hội hè hay ngày nghỉ cuối tuần, thắng cảnh này luôn nườm nượp khách từ các nơi trong tỉnh đổ về và cả nhiều du khách tỉnh ngoài cũng tìm về đây. Bạn hãy một lần đến với thác Krông Kmar để ngắm nhìn phong cảnh tuyệt vời với những thác nước ầm reo giữa non ngàn, tận hưởng không khí trong lành mát dịu của thiên nhiên đại ngàn.
Thác Thủy Tiên
Thác Thủy Tiên |
Thác Thủy Tiên là một thắng cảnh nên thơ nằm cách xã Tam Giang, huyện Krông Năng 7km về hướng đông bắc. Vẻ đẹp thơ mộng tựa nàng tiên nữ ẩn mình giữa núi rừng của thắng cảnh này đã làm đắm say biết bao du khách.
Thác với cấu trúc 3 tầng |
Thác gồm có 3 tầng, tầng thứ nhất có độ dốc thấp với những bậc lên xuống dễ dàng, lòng thác nhỏ, nước chảy êm đềm giữa những vòm cây xanh mát, hai bên lòng thác có nhiều rễ cây buông rũ xuống như những chiếc võng đu đưa trong gió ngàn. Tầng thứ hai của thác trải rộng với nhiều bậc đá, có chỗ nước tuôn trào trắng xóa, tạo nên những hồ nông, du khách có thể tắm mình thích thú với làn nước xanh mát, có nơi dòng thác đổ từ trên cao xuống những tảng đá, bọt nước tung trắng xoá tựa những đoá hoa thủy tiên kiêu hãnh khoe sắc hương dưới ánh mặt trời lung linh, rực rỡ. Ở tầng thứ ba, nước đổ thẳng dốc từ trên xuống tạo thành hồ khá sâu để cuối cùng hóa thành dòng nước chảy hiền hòa, trong vắt.
Thác Bảy Nhánh
Thác Bảy Nhánh (Ảnh – nhocdenthui) |
Từ thành phố Buôn Ma Thuột dọc theo tỉnh lộ 1 về hướng tây bắc 35km, du khách đến buôn N’Drêch, xã Ea Hua, huyện Buôn Đôn, từ đây rẽ trái đi tiếp khoảng 1km nữa là đến thác Bảy Nhánh, một điểm du lịch sinh thái tuyệt vời của Đắk Lắk. Dòng Sêrêpôk chảy qua đây chia làm bảy dòng sông nhỏ chảy qua các tảng đá lớn tạo thành 6 hòn đảo nhỏ giữa các nhánh sông. Đứng trên cao quan sát, thác giống như bàn tay xòe ra giữa ghềnh thác trắng xóa. Nơi đây có bãi tắm đẹp và cũng là nơi lý tưởng để đua thuyền độc mộc. Nơi rộng nhất của thác khoảng 2km. Nhánh thứ nhất được che bởi rặng si già, nhánh thứ hai, thứ ba, thứ tư là ghềnh đá lớn, nhánh thứ năm có bãi sạn, đá cuội được nước bào mòn vô cùng xinh xắn, nhánh thứ sáu có bãi cát rộng, phẳng đẹp, sang nhánh thứ bảy là đến khu rừng nguyên sinh thuộc vườn Quốc gia YokDon.
Đến với thác Bảy Nhánh, du khách không những được tận hưởng cảnh quan thiên nhiên của vùng sinh thái nơi đây mà còn có thể tiếp tục tham quan vườn Quốc gia YokDon, nghe kể về truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, du thuyền hay cưỡi voi vượt dòng Sêrêpôk, giao lưu văn hóa cồng chiêng với đồng bào M’Nông, thưởng thức những món ẩm thực khác lạ như cơm đùm lá chuối, gà nướng lá bưởi, kiến vàng bóp cải xanh, sở hữu những món đồ mỹ nghệ truyền thống như: túi dệt thổ cẩm, các loại gùi…
Tháp Chàm Yang Prong
Muốn khám phá tháp, du khách phải vượt qua 100km từ Buôn Ma Thuột |
Tháp Chàm Yang Prong (Thần vĩ đại) hay còn gọi là Tháp chàm Rừng xanh là một ngôi tháp Chàm ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk, cách thị trấn Ea Súp khoảng 15 km, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100 km.
Tháp Chàm nằm chìm dưới những tán cây cổ thụ |
Tháp rất đặc biệt bởi đây là ngôi tháp Chàm duy nhất không được xây dựng trên những ngọn đồi cao, không bóng cây như những ngọn tháp khác mà lại nằm chìm lấp dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Súp và bên dòng sông Ea H’leo. Đây cũng chính là ngọn tháp Chàm duy nhất được tìm thấy trên Tây Nguyên. Tháp có chiều cao 9m, đáy vuông mỗi cạnh dài 5m, có một cửa mở về phía Đông. Tháp để thờ thần Siva. Trong thời gian chiến tranh, tháp đã bị đánh mìn một lần nên đã hư hỏng nhiều. Hiện nay tháp Yang Prong đã được tu bổ và trở thành một điểm tham quan quan trọng ở Đắk Lắk.
0 nhận xét