1/7/15

Âm nhạc của múa dân gian Tây Nguyên

Nhân đại hội nhạc sỹ và múa liền kề, chúc mừng cả hai hội bằng bài viết này

Âm nhạc là linh hồn của múa. Trong nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên, múa bao giờ cũng gắn với âm thanh và nhịp điệu của các dàn ching chêng.



Là một trong những nhạc cụ từng được coi là thiêng liêng, gắn với mọi nghi lễ của cộng đồng và suốt một vòng đời của con người,nên nhà nào cũng muốn có cho được một bộ ching. Do người Tây Nguyên không có truyền thống đúc đồng, nên ching thường mua từ bên ngoài về và rất chuộng những loại ching có chất lượng âm thanh cao. Ching tốt nhất là mua của người Lào ( thường gọi là ching lao). Được ưa chuộng tiếp theo là ching của người Campuchia ( thường gọi là ching kuor) . Thứ ba, nghèo lắm mới sắm dàn ching có xuất xứ từ đồng bằng Trung bộ về ( thường gọi là ching Joăn). Ching mua từ bất cứ đâu về cũng phải chỉnh âm lại cho phù hợp với hàng âm của tộc người. Cao độ ( ton) các dàn có thể khác nhau, nhưng hàng âm thì luôn đồng nhất.

Mỗi một tộc người ở Tây Nguyên có một hệ thống thang âm, điệu thức hay còn gọi là hàng âm cơ bản riêng, mang tính thống nhất, diễn tả rất rõ trong các bài bản ching chêng và những bài dân ca của từng dân tộc.

Dân ca Jrai, Bâhnar và Sê Đăng với một số quãng 2 thứ, tạo nên cả điệu thức trưởng và điệu thức thứ. Nhiều bải bản mang đậm tính chất trữ tình, có thể nói là êm ả, phù hợp với những điệu múa nữ tính mềm mại, nhịp điệu vừa phải. Những bài điệu thức trưởng rộn ràng, rạo rực, là nhạc nền cho múa nam tính khỏe khoắn, hừng hực sức sống. Dàn ching chêng và trống sgơr của các tộc người Jrai, Bâhnar, Sê Đăng…luôn cùng di chuyển với đội múa , trong trạng thái diễn tấu động.

Hàng âm trong âm nhạc dân gian Ê đê không có quãng 2 thứ, thường chỉ ly ở một vài chỗ bất thường, rồi lại chuyển ngay về trưởng. Khi đệm cho múa nghi lễ, vẫn ngồi nguyên tại chỗ ( diễn tấu tĩnh), tăng phần nghiêm trang của lễ thức. Dân ca Mnông, K’Ho…ít tính nhịp điệu mang nhiều chất liệu thứ, mênh mang, vời vợi, khó phù hợp với múa hình thể có tiết tấu. Cả hai loại hình dân ca này đều phù hợp với trạng thái trang nghiêm trong các lễ nghi theo tín ngưỡng đa thần.

Các dàn ching chêng Tây Nguyên cho dù là hai chiếc như của tộc người Brâu, hay 15 chiếc như của người Jrai, đều có âm trì tục, nhiều bè. ( Ching của tộc người Brâu chỉ có 2 chiếc treo trên giá, do hai người đánh. Nhưng mỗi người xử dụng hai tay, hai dùi, nên vẫn tạo ra bốn âm chính và nhiều bồi âm khác khi các âm thanh va đập vào nhau) . Tuy nhiên, vì cơ cấu dàn ching số lượng khác nhau, nên có thể có một âm trì tục, nhưng cũng có thể có từ hai, hoặc ba âm trì tục, thậm chí âm trì tục còn tạo thành giai điệu. Thường do những chiếc ching có núm, bè trầm đảm nhận. Ching núm càng nhiều, bè trì tục càng đông đảo. Nếu giai điệu ching bên trên là nhạc nền của múa, thì các âm trì tục bên dưới của bè trầm chính là tiết điệu của bài ching, là nhịp mạnh của bước chân múa. Sự đảo phách hay thay đổi giai điệu chỉ là ngẫu hứng của các nghệ nhân, không ảnh hưởng gì đến bè trì tục giữ nhịp cho múa. Đây cũng là một đặc điểm chung của âm nhạc vùng Đông Nam Á mà chúng tôi đã từng có dịp kiểm chứng ở một số nước trong khu vực, như Indonesia, Campuchia, lào, Thái Lan, Malaysia, Singapuar, Philipin hay Miến Điện….Cho dẫu dàn chiêng, trống hay ban nhạc của các nước này đã biên chế gọn lại, chỉ từ 1-2 nhiều nhất là 5 người diễn tấu.

Giai điệu và tiết tấu của dàn ching chêng, tùy theo môi trường diễn xướng mà buồn hay vui, nhanh hay chậm. Như trong đám tang thì âm giai thứ, tiết tấu chậm ( ví dụ như ching chêng trong đám tang của người Bâhnar rất chậm rãi, buồn bã mang đầy tính thê lương) . Chúc mừng điều gì ( kể cả trong lễ bỏ mả) thì tiết tấu nhanh, âm giai trưởng. Chỉ riêng dàn ching knah của tộc người Ê đê với sự phức tạp của phức điệu, dẫu là diễn tấu trong đám tang hay trong lễ vui mừng đón khách, ăn cơm mới, vẫn giữ tiết tấu cực nhanh ( allegro vivace), cường độ lớn, mãnh liệt, dứt khoát, người nghe chỉ có thể cảm nhận biết khi nghe các bài bản.

Trong múa khil – đao , tung khăk của người Ê đê, Jrai, chỉ dùng có ba chiếc chiêng không có núm, tiết tấu nhanh, mạnh. Tuy vẫn đứng tại chỗ nhưng thân hình và đôi chân nhún nhảy, tạo đà lẫn cảm hứng cho người múa. Tâm trạng người tấu nhạc và trình diễn múa được sự tương hỗ, nên tính ngẫu hứng và hứng khởi rất cao.

Âm nhạc ching arap của Jrai, tiết tấu nhanh hơn, nên nhịp nhún nảy hơn, động tác tay đẩy về phía trước nhanh hơn, nhất là trong múa suang cải tiến “ chọc đu đủ”. Đám thanh niên chơi ching thỉnh thoảng lại hú hoặc hét lên vài ba tiếng theo tiết điệu của những chiếc ching trầm trì tục một cách rất sảng khoái, khiến cho nhịp điệu vòngsuang thêm rạo rực, kể cả trong lễ bỏ mả.

Nhịp ching chêng Bâhnar tiết tấu chậm rãi, nên nhún trong suang mềm hơn, động tác tay đưa về phía trước cũng mềm mại hơn. Riêng tộc người Chăm Hroaih, dàn ching vừa diễn tấu vừa chuyển động thân hình ( quay hẳn người sang trái rồi ngược trở lại) và bước chân theo nhịp điệu múa, rất độc đáo.

Đôi khi với đội hình múa ít người, biên chế của dàn ching cũng được thu hẹp lại cho phù hợp với nội dung và tính chất của múa. Ví dụ như đệm cho múa khiêl, múa vỗ trống…

Tuy cùng là một tộc người, cùng điệu thức và thang âm, nhưng mỗi làng lại có một phương thức và nhịp điệu diễn tấu ching khác nhau, cao độ của các dàn cũng khác nhau, nhưng luôn luôn đi kèm với đội hình múa. Chúng tôi đã từng được chứng kiến tại một lễ xoay cột cầu mùa của người Bâhnar Chăm ở Phú Yên có 5 làng tham gia lễ hội. Dàn ching của làng sở tại có ba đội múa của ba thế hệ phụ nữ khác nhau về tháng năm là cao tuổi, trung niên và nữ thanh niên. 4 đội bạn mang theo dàn ching và 4 đội múa, đều là thiếu nữ trẻ. Vẫn là điệu thức 5 âm quen thuộc của tộc người Bâhnar với các quãng 4, 5 rất đặc trưng ở cuối câu nhạc, nhưng khi trình diễn khoe tài, dàn ching mỗi làng một tiết tấu khác nhau . Dàn ching trẻ nhất tiết điệu sôi động nhất, cả động tác tay lẫn chân múa cũng giậm giật nhất. Khi phối hợp, các đội ching của 5 làng đi thành vòng tròn nhỏ bên trong, vòng tròn lớn bên ngoài là các đội múa nữ . Tốp múa đi theo sát dàn ching nào, nhún chân và uốn tay theo nhịp của dàn ching đó. Do cùng điệu thức nhưng cao độ khác nhau, nên hòa âm của cả 5 dàn ching chêng lúc đó trở nên rất phong phú. Cũng như đội hình vòng múa rất đa dạng, với nhiều động tác lẫn nhịp điệu không làng nào giống làng nào, mà vẫn đều nhau chằn chặn theo nhịp ching chêng. Đó là thời điểm lễ đã qua hội đã tới, nên như đã nói ở trên, dàn ching nào, người nào mệt, đều có thể nghỉ ngơi, đợi thời gian khác trở lại. Người ở lại tay cứ nắm lấy tay, chân bước đều nhịp, mồ hôi túa ra cũng kệ, suang thâu đêm đến sáng là thế !

Ngoài trang phục tộc người, có một loại vật dụng, không phải là nhạc cụ chính thức nhưng luôn luôn gắn liền với múa trên thân hình các nghệ nhân, trên trống cái, cầm trên tay theo bước dàn ching chêng. Đó là chùm quả nhạc lục lạc ( ring rieo) bằng bạc hay bằng đồng và các loại trang sức. Nam giới Bâhnar thường đeo bộ xà tích bằng bạc bên hông, hay dàn ching Sê Đăng, Ka Dong thậm chí làm hẳn một chiếc thảm khâu đầy các quả nhạc để giật theo tiết điệu của ching, hoặc đeo những chiếc vòng đồng, vòng cườm trên cổ. Nữ là hàng chục những chiếc vòng đồng ( kong), vòng bạc, hoặc những chiếc vòng cườm đeo rất dầy ở cổ chân, cổ tay, trên cổ, hoặc những quả nhạc nhỏ gắn trên vai áo .

Âm thanh của quả nhạc, vòng đồng, vòng bạc nơi cổ, chân, tay tác động trực tiếp đến thính giác của người biểu diễn lẫn người xem, tạo thêm sự hưng phấn, bổ xung cho âm thanh và âm điệu những câu nhạc đệm của ching chêng lặp đi lặp lại mà không nhàm chán. Để làm cho quả nhạc, những chiếc vòng bạc, vòng đồng, trang sức đeo trên người rung lên reo vui, người nhảy múa thường vận động thể hình ở mức độ nhanh,mạnh, đột ngột, có khi hạ thấp chiều cao cơ thể, có lúc rung toàn thân, nam thì nhảy tưng lên vươn thẳng đôi chân. Từ những chiếc vòng này, thi thoảng còn có động tác sát kong – cọ hoặc đập những chiếc vòng trên hai tay vào nhau cho phát ra âm thanh.

Mặc dù có nhiều loại nhạc cụ tre nứa, thậm chỉ cả đàn t’rưng, nhưng trong sinh hoạt cộng đồng, duy nhất chỉ có dàn ching chêng luôn đồng hành cùng múa. Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, các đội văn công chỉ có ít quân số, phải di chuyển chống càn hoặc theo bộ đội, không có điều kiện mang theo dàn ching chêng, nên mới xử dụng đàn t’rưng đánh các bài dân ca thành nhạc đệm cho múa khi tham gia biểu diễn đâu đó. Cũng như sau 1975, nhạc cụ đinh năm của người Ê đê, prelet của người Mnông vượt qua định kiến là chỉ được xử dụng trong tang ma, trong các lễ cúng trâu, đã dùng đệm cho hát và múa. Còn trong các lễ hội diễn ra tại buôn làng, tuyệt đối vẫn là dàn ching chêng.

Ching chêng là tiếng nói tâm linh, là tâm hồn của mỗi một tộc người. Âm nhạc ching chêng luôn song hành cùng với các thể loại múa nghi lễ, múa sinh hoạt, góp phần thể hiện một đời sống tinh thần phong phú và độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Càng về sau này, các loại hình nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên ngày càng được cải tiến, làm thêm chức năng của dàn nhạc đệm cho múa trong môi trường chuyên nghiệp. Ching chêng không còn là nhạc cụ đệm độc quyền cho múa nữa.

Đối với múa chuyên nghiệp, trong mọi ngữ cảnh, âm nhạc sẽ không phải chỉ là “ nền”, mà còn phối hợp nhịp nhàng nhằm diễn tả mọi trạng thái tâm tư , tình cảm của ngôn ngữ múa. Nhạc sôi động, náo nức, nếu nội dung múa diễn tả những trạng thái vui mừng ; nhạc tăng thêm tính chiến đấu cho múa khi cần thiết ; nhạc sẽ trở nên buồn bã, bi thương khi song hành cùng những nội dung múa tương ứng; âm nhạc còn mang tính dự báo những diễn biến sẽ xảy ra của múa. Thông qua âm nhạc, người nghệ sỹ múa thăng hoa trong nghệ thuật biểu diễn, đem lại cảm xúc tuyệt vời cả bằng thính giác lẫn thị giác cho khán giả.

Mối quan hệ giữa dàn ching chêng và múa là quan hệ song song, mang tính nguyên bản, hỗ trợ lẫn nhau. Bài bản các dàn ching chêng của mỗi tộc người đều là âm điệu chung cho các thể loại múa nghi lễ và múa sinh hoạt, là những thành tố chặt chẽ, hòa quyện không thể tách rời. Ở không gian đó, ching chêng làm nền, dẫn dắt, thổi hồn vào sức sống của múa trong từng nhịp điệu, từng động tác. Ngược lại, múa tôn vinh, nâng giá trị của hồn ching chêng lên một tầm cao hơn khi diễn tấu đơn độc. Nhưng để thực hiện được yêu cầu này, các thể loại múa tập thể và múa ít người sẽ có sự lựa chọn các bài bản ching theo cách thích hợp riêng. Cũng có thể thực hiện chung trên một âm điệu. Cho dù xử dụng cơ số phần đệm nhiều hay ít, bài bản và nhịp điệu khác nhau, âm nhạc vẫn mãi mãi là người bạn đồng hành của nghệ thuật múa. Thậm chí còn góp phần hoàn thiện không gian múa bằng chính nhịp chân và hình thể của những tác nhân tham gia diễn tấu ching chêng.

Sự hài hòa tôn vinh lẫn nhau này tạo nên một môi trường diễn xướng riêng, độc đáo, mà mỗi thành tố là một hạt nhân, nếu thiếu yếu tố nào sự phong phú, rộn ràng của lễ, hội Tây Nguyên cũng giảm đi rất nhiều.

Nguồn linhnganiekdam.vn

0 nhận xét

 
© Tin Tức Tây Nguyên | VĂN HÓA Ê ĐÊ ĐẮK LẮK BUÔN MA THUỘT
Designed by KNUL - Laptop daklak - Thực hiện viết bài KNUL - Thiết kế và quản lý bởi thiet ke web buon ma thuot
Trở về TOP