21/11/14

Đặc trưng của dân ca Êđê & Mnông

 Như mọi tộc người khác sinh sống trên dãy núi Trường Sơn,dân tộc Êđê cũng có nhiều làn điệu dân ca khác nhau, nhưng phổ biến nhất là hai điệu hát K’ưt và Arei.Hai làn điệu này khác nhau cả về điệu thức và tiết tấu.Có thể nói là đối lập nhau.



 Điệu hát K’ưt mênh mông, dàn trải, theo lối hát nói, không tiết tấu.Thường mang nặng tính tự sự, tâm tình, hoặc kể lể.Có khi  là câu hát chào mừng, hoặc tâm sự với người khách vừa đến thăm gia đình,hay trong lễ chúc sức khỏe người già,cầu cho gia đình làm ăn may mắn,hoặc dặn dò gái trai trong lễ cưới hỏi...Tính ngẫu hứng của điệu hát k’ưt rất cao. Đây cũng chính là điệu hát dùng để kể trường ca,sử thi ( tức hát- kể Khan ) của người ÊĐê

 Với tính chất tự sự,điệu K’ưt cũng còn gọi là Chok  tức là  hát khóc ,hát kể lể trong lễ tang,lễ bỏ mả.Có lẽ bởi điệu hát K’ưt đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người trong cộng đồng,nên khi ấy thì không cần phải là nghệ nhân,ai mất người thân cũng có thể vừa hát ,vừa khóc kể những kỷ niệm, bày tỏ nỗi niềm nhớ thương với người đã khuất.Với tính chất mang đầy tâm trạng này,nên hầu hết các bài K’ưt đều ở điệu thức thứ.

Ngày nay, đệm cho hát K’ưt ,các nghệ nhân Êđê thường sử dụng cây sáo Đinh Buôt ( còn gọi là đinh kliă).Chính vì được dùng trong các đám tang,nên cây sáo đinh buôt cũng còn được bà con cho mang cái  tên  : đinh buôt chok là thế. Bài hát “Ơi MDrăk ”  của nhạc sỹ Nguyễn Cường hòan toàn xử dụng điệu hát K’ưt Êđê ,với sự trình bày của Nghệ sỹ nhân dân Y Moan,đã được bình chọn là ca khúc hay trong năm 1986.Nhạc sỹ Cát Vận cũng dùng điệu k’ưt để làm cơ sở sáng tác bài  “ Lời ru tháng Ba”  một thời rất được bạn yêu nhạc ở Đăk lak ưa thích. Điệu hát k’ưt cũng xuất hiện trong những nét chuyển động giai điệu ban đầu mênh mang của bài hát “ Bơ hơ em hát mùa cà phê” của nhạc sỹ Mạnh Trí, hay “ Tình ca cao nguyên, Trăng chiều Ban mê” của nhạc sỹ Linh Nga Niê kdam, làm nên những câu hát không dễ lần, mang đường nét đặc trưng của dân ca Êđê.    
      
 Khác và đối lập với điệu K’ưt,điệu arei có tiết tấu rộn ràng,thường được hát để bày tỏ niềm vui,ở mọi lúc,mọi nơi. Mặc dù trong đời sống xa xưa, cây kèn đinh năm đã từng bị cấm thổi trong nhà, vì thường sử dụng trong các đám tang, nhưng ngày nay, hát a rei luôn luôn có kèn đinh năm đệm theo,nghe rất du dương.Trong khi người hát luôn luôn giữ một tiết điệu nhịp nhàng,thì đinh năm có lúc  dàn trải mênh mông,có lúc phập phồng như hơi thở theo nhịp hát, 6 ống nứa cao độ khác nhau tạo thành hòa âm và phức điệu rất đặc biệt.Với tính chất trên,điệu arei thường được trình bày ở điệu thức trưởng .Tuy nhiên,đôi lúc cũng có  biến âm của những quãng nửa cung, chỉ để làm cho màu sắc thêm phong phú mà thôi.

Cũng có khi giai điệu mỗi vùng một  khác đi đôi chút,bởi nó là sản phẩm sáng tạo của mọi nghệ nhân, nhưng tiết điệu thì vẫn nguyên như vậy. Ví dụ như trường hợp bài dân ca Chiriria và bài hát đối đáp “ Buôn Duôr kmăn”. Điệu hát arei dân ca Êđê trong liên hoan âm nhạc Châu A- Thái bình dương ở thành phố HCM năm 1991, do nghệ nhân Ama HDer  ở buôn Koh Siă ,thành phố BMT trình bày đã được tuyển chọn đưa vào kho tàng tinh hoa âm nhạc dân gian khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng điệu arei của bài dân ca Chi ri ria,nhạc sỹ Nguyễn Cường đã viết nên ca khúc  “Hzen” lên rẫy  nổi tiếng một thời, và sau đó là bài “ Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, một bài hát mà không cuộc liên hoan nào không được vang lên không chỉ ở Đăk lăk.Chất liệu dân ca ở đây không xử dụng theo phương thức phát triển hoặc mô phỏng, tác giả chỉ dùng những quãng đặc trưng,còn điệu Chi ri ria thì chỉ xuất hiện ở những nốt cuối cùng của ca khúc,nhưng toàn bài vẫn thấy tóat lên tính chất dân nhạc Êđê không dễ lẫn với những bài ca mang đường nét nhạc dân gian các dân tộc Bana,Jrai.

 Có lẽ chính vì tiết tấu vui tươi,rộn ràng ,mà người Êđê còn xử dụng điệu arei trong lối hát đối đáp. Hát đối đáp có thể là giao duyên nam nữ,nhưng cũng có thể là nam hát đối với nam,hoặc nam nữ hát đố nhau. Điệu arei vui tươi và sôi nổi đến có thể không cần giới thiệu nội dung bài dân ca,mà chỉ nghe qua giai điệu chúng ta cũng cảm nhận sự độc đáo của làn điệu.

 Tương tự như những tộc người cùng một ngữ hệ Môn Khơ mer, như các dân tộc K’Ho, Mạ, Lach....Dân ca Mnông ít mang tính nhịp điệu hơn.Nghệ nhân cũng ít khi sử dụng nhạc cụ đệm, mà thường hát “ chay”.Các làn điệu Tăm pớt, Taptaveo, Jun jớ....thường mang nhiều yếu tố tự sự, giãi bày, dưới dạng hát nói ( recitativ ) giống như điệu K’ưt của của người Êđê
 Là một tộc người có gia tài trường ca - sử thi ( ot n’trong) đồ sộ, thể loại hát nói của người Mnông cũng là làn điệu chủ đạo trong thể loại hát - kể này.

 Thể loại hát nói tự sự cũng là phương tiện trình bày một lối hát mang tính chất văn học truyền miệng khác của các tộc người Tây Nguyên nói chung, đó là Luật tục ( Klei bhian kđi, Phat kđuôih…). Tuy là những luật lệ - như một hiện tượng sơ khai của luật pháp, nhưng do tính đặc thù và có vần, có điệu, có âm thanh cao thấp, nên vẫn có thể xếp luật tục Tây Nguyên vào thể loại hát - kể văn học được. Chỉ tiếc rằng ngày nay còn rất ít nghệ nhân thuộc và sử dụng luật tục để phân xử những vấn đề kiện cáo, tranh chấp trong cộng đồng buôn, bon, kon, plei như trước đây. Nên luật tục đang đứng trước nguy cơ bị mai một hoàn toàn.

Có điều đặc biệt giống nhau ở cả dân ca Êđê, Mnông, lẫn các tộc người khác, đó là cách sử dụng vần đối vần ngẫu hứng trong từng câu hát .

 Dù còn tồn tại dưới dạng nào,dân ca vẫn luôn là một trong những sinh hoạt văn hoá tinh thần dân gian được cộng đồng cư dân Tây Nguyên gìn giữ & lưu truyền .Bởi dân ca, dân nhạc luôn luôn là tiếng núi của tâm hồn, của  trái tim, không biên giới và bất chấp mọi ngôn ngữ . Âm nhạc dân gian trong đó có  dân ca, cũng vì thế mà có đời sống rất bền vững .Cũng không thể không nói tới khối lượng đồ sộ những ca khúc được sáng tác dựa trên chất liệu dân ca Tây Nguyên, đem lại hiệu quả nghệ thuật cao, góp một phần đáng kể , làm giàu thêm kho tàng bài hát của Việt Nam.

0 nhận xét

 
© Tin Tức Tây Nguyên | VĂN HÓA Ê ĐÊ ĐẮK LẮK BUÔN MA THUỘT
Designed by KNUL - Laptop daklak - Thực hiện viết bài KNUL - Thiết kế và quản lý bởi thiet ke web buon ma thuot
Trở về TOP