![]() |
Lễ Băh Ênang Của Đồng Bào Ê Đê Ở Dak Lak |
Già làng Aê Huy uống rượu cần mừng sức khỏe.
Bài viết ghi lại một nghi lễ Băh Ênang cúng mừng sức khỏe Già làng Aê Huy đã tròn 70 mùa rẫy ở buôn K’mrơng Prông A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột. Theo phong tục truyền thống của đồng bào Ê Đê, lễ Băh Ênang được thực hiện rất chu đáo với 12 ché rượu cần buộc vào dàn tre dựng ở giữa nhà, các ché rượu đều phải đeo chuỗi cườm trừ ché rượu màu đen dùng để cúng Yàng Pat Atâu (cúng ông bà đã khuất), 3 dàn Cing Knăh gồm: Cing Knăh Điết, Cing Knăh Man-drưng và Cing Knăh Prông (chiêng nhỏ nhất, chiêng vừa và chiêng lớn) được buộc chắc chắn vào dàn tre đã dựng sẵn, một trống cái lớn dùng để đệm cho 3 dàn chiêng. Trước khi vào lễ, dàn chiêng đánh bài chiêng báo mời bà con dân làng, tiếp đến là một bài nhạc chiêng mời gọi ông bà đã khuất về chứng kiến. Thầy Cúng sắp mâm lễ gồm: 1 con gà mái, 1 ché rượu cần màu đen (không được màu trắng hay nâu hoặc màu khác), Thầy Cúng khấn mời Yàng Pat Atâu, rượu cần được hút ra từ ché rượu và đựng vào một bát đồng, sau khi cúng xong, Thầy Cúng đổ bát rượu từ từ vào cột nhà chính rồi lấy một ít cơm, thịt gà, rượu mời Già làng Aê Huy ăn, sau đó đến người mẹ và vợ của Già làng. Cúng Yàng Pat Atâu xong, Già làng Aê Huy cùng con cháu, người thân trong gia đình mới được phép mặc trang phục truyền thống để làm Lễ Cúng Băh Ênang (đây là nét đặc trưng của phong tục Lễ Cúng Băh Ênang).
Thầy Cúng chuẩn bị mâm lễ gồm: 1 con heo (phải là heo thiến), 5 ché rượu cần đã được đeo chuỗi cườm, dàn chiêng nổi chiêng lên theo từng dàn chiêng một và trình tự Cing Knăh Điết đánh trước, rồi đến Cing Knăh Man-drưng và Cing Knăh Prông đánh sau cùng, rồi quay vòng trở lại Cing Knăh Điết, Cing Knăh Man-drưng và Cing Knăh Prông… cứ thế đánh theo từng hồi chiêng gọi là Tom-Tech (có thể hiểu là liên khúc chúc mừng). Lễ Cúng Băh Ênang rất trang nghiêm, trân trọng; Già làng Aê Huy ngồi nghiêm trang lắng nghe từng lời cầu nguyện của Thầy Cúng mời gọi thần linh, cầu xin thần linh mang lại sự trường thọ cho Già làng. Sau lễ cúng, người em gái của Già làng là người đầu tiên được lên đeo chuỗi cườm và vòng đeo tay mừng thọ cho người anh của mình, sau đó mới lần lượt đến bà con, người thân trong gia đình và dân làng đến chúc mừng (đeo chuỗi cườm hoặc vòng đeo tay). Lễ Cúng kết thúc, mọi người cùng ngồi ăn cơm, trò chuyện thân mật.
Lễ Băh Ênang của đồng bào Ê Đê hay Lễ Mừng thọ của người Kinh đều mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, đều bày tỏ sự tôn kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, đều thể hiện sự thương yêu, quý trọng của các thế hệ gắn bó mật thiết với nhau. Phong tục truyền thống này là nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào Ê Đê ở Dak Lak, nét đẹp này thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Với sự phát triển ngày càng phồn thịnh của đất nước, cộng đồng các dân tộc Việt Nam phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tạo nên nét đẹp văn hóa tinh thần phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
0 nhận xét