11/12/13

Voi Bản Đôn không chỉ là biểu tượng của núi rừng Tây Nguyên

Săn voi thời vang bóng

Bản Đôn thuộc xã Krông Na (Buôn Đôn, Đăk Lăk) ngày nay trở thành một trong những buôn làng du lịch nổi tiếng nhất nhì Tây Nguyên. Một buôn nhỏ mà có quá nhiều huyền thoại đã tôn Bản Đôn thành vùng đất thánh theo đúng quan niệm của người dân tộc M'nông và Ê đê.

Bản đôn


Không khó để điểm qua một thời vang bóng những huyền thoại Tây Nguyên ở Bản Đôn. Đầu tiên phải kể đến tù trưởng Y Thu Knul - người từng được mệnh danh là vua voi Tây Nguyên và cũng là người khai phá sáng lập ra Bản Đôn. Y Thu Knul cũng là người đầu tiên của Tây Nguyên làm nghề săn voi. Do các tư liệu không chính xác nên nhiều người nhầm tưởng ông Ama Kông là vua voi. Thực tế, Ama Kông là nghệ nhân săn voi giỏi nhất Tây Nguyên, đồng thời ông là cháu rể của vua voi Y Thu Knul.

Vua voi Y Thu Knul cũng là người duy nhất của Tây Nguyên săn được voi trắng. Theo luật tục, chỉ có các bậc đế vương mới được sử dụng voi trắng nên Y Thu Knul đã tặng con voi này cho quốc vương Xiêm La và được phong tặng danh hiệu Khun Ju Nôp - nghĩa là vua săn voi. Theo danh hiệu này, ai gặp Y Thu Knul cũng phải chắp tay vái chào.

Voi bản Đôn



Huyền thoại Tây Nguyên Y Thu Knul qua đời năm 1938. Bao nhiêu tinh hoa ông truyền lại hết cho Ama Kông, và một lần nữa "trường ca săn voi" Ama Kông tiếp tục mở sang trang mới trên đất Tây Nguyên. Cuối năm 2012, ông Ama Kông qua đời, Tây Nguyên coi như gấp lại trang sách đầy hào sảng về một thời đã qua, vĩnh viễn không bao giờ lặp lại.

Bản Đôn không có voi con

Gắn liền với bài hát chú voi con ở Bản Đôn, ngay từ khi Bản Đôn được khai phá thời Y Thu Knul thì đây đã là nơi săn bắt, thuần dưỡng và cung ứng voi cho cả nước. Những chú voi con được sinh ra ở Bản Đôn không phải là ít. Thế nhưng, hiện nay Bản Đôn không còn một chú voi con nào được sinh ra.

Một cán bộ xã Krông Na cho biết: "Loài voi không bao giờ giao phối ở nơi có bóng dáng con người. Hơn nữa, do tập tục của đồng bào Tây Nguyên nên sự giao kèo về giá cả giữa các hộ có voi đực và voi cái cũng không được thực hiện".

Còn một lý do nữa khiến voi Bản Đôn không thể sinh sản là diện tích rừng bị thu hẹp một cách đáng báo động. Voi không còn chốn tự do để sinh sống theo bản năng hoang dã, chúng phải phục vụ cho dịch vụ du lịch nên không có thời gian... giao phối. Đây có vẻ như một lý do vô lý nhưng lại là thực tế buồn ở Bản Đôn.

Vị cán bộ xã Krông Na than thở, cứ như đà phát triển như hiện giờ thì chẳng mấy chốc nữa Bản Đôn sẽ không còn bóng dáng của voi. Bản Đôn mà không có voi thì coi như không còn là huyền thoại, là đất thánh của Tây Nguyên nữa.

1 nhận xét

 
© Tin Tức Tây Nguyên | VĂN HÓA Ê ĐÊ ĐẮK LẮK BUÔN MA THUỘT
Designed by KNUL - Laptop daklak - Thực hiện viết bài KNUL - Thiết kế và quản lý bởi thiet ke web buon ma thuot
Trở về TOP