25/10/13

Gìn giữ nét truyền thống ở Buôn làng

Gìn giữ nét truyền thống ở Buôn  làng

Cứ vào ngày chủ nhật hàng tuần, các bạn trẻ ở bon Sa Nar B, xã Quảng Sơn (Ðắk Glong) lại quây quần tại nhà văn hóa cộng đồng để cùng nhau học đánh cồng chiêng. Ðược các nghệ nhân chỉ dạy tận tình, hiện nay, các bạn có thể đánh được nhiều chiếc chiêng trong một dàn chiêng cũng như đánh thuần thục các bài chiêng khó như Tue Ding Boh, Ndrao iêc bip, Nhim tir, Pơm Blog.


Gìn giữ nét truyền thống ở Buôn  làng



Vào các dịp lễ hội truyền thống của bon làng thì đội chiêng của bon luôn có mặt và góp vui. Già Ama Ðoan vui vẻ nói: “Nhìn lớp trẻ trong bon đã mặn mà với âm thanh cồng chiêng của dân tộc, tôi cũng như những người già vui lắm. Từ đây, cồng chiêng đã có thể trở lại với bon làng rồi”

Tương tự, các nghệ nhân ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê cũng chỉ dạy cho lớp trẻ trong bon yêu cồng chiêng qua những việc làm thiết thực, cụ thể. Theo đó, vào các buổi sinh hoạt bon thì những người già đều lồng ghép, nói chuyện và căn dặn lớp trẻ phải gìn giữ những gì mà cha ông để lại.

Trên cơ sở tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, bon cũng đã thành lập một đội chiêng trẻ dưới sự dìu dắt của các nghệ nhân trong bon. Nghệ nhân H’Jang nói: "Việc dạy đánh cồng chiêng, giúp lớp trẻ yêu chiêng là điều cần thiết, nên những người đi đầu luôn gương mẫu trong mọi sinh hoạt văn hóa văn nghệ”.


Theo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ðắk Glong thì thời gian qua, thực hiện Ðề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc tại chỗ”, huyện đã tổ chức được 8 lớp dạy cồng chiêng tại 4 xã Quảng Khê, Ðắk Som, Ðắk R’măng và Quảng Sơn cho hơn 400 học viên là thanh niên, học sinh… Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng được 4 đội cồng chiêng trẻ, khôi phục một số lễ hội truyền thống của dân tộc bản địa, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

Ngoài việc học đánh cồng chiêng, các bạn trẻ còn được những người già, người am hiểu văn hóa chỉ dạy cho các làn điệu dân ca của dân tộc mình như hát ru em, hát aray, khóc trâu… Ðiển hình như ở bon Bu Brung Lu, xã Ðắk N’Drung (Ðắk Song) thì cứ chiều chiều, các bạn trẻ thường quây quần tại nhà văn hóa cộng đồng để vui chơi, sinh hoạt và cùng nhau hát các làn điệu dân ca, dân vũ.

Một số bạn trẻ biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống như m’ló, drơn, goong reeng… lại truyền dạy cho nhau một cách tận tình. Chính các hoạt động này đã khơi nguồn cho sự tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống.



Và gìn giữ nếp nhà dài

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng (Chư Jút) thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa, nhất là giữ gìn nét đẹp của ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Ê đê trên địa bàn được gắn liền với việc xây dựng nông thôn mới.

Ðể góp phần giúp bà con gìn giữ nếp nhà dài thì địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, khôi phục một số nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm… Không gian thoáng đãng của những ngôi nhà dài chính là nơi để mọi người xích lại gần nhau hơn, cùng sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống.

Hiểu được ý nghĩa của ngôi nhà dài trong đời sống cộng đồng, hiện tại, buôn Nui và buôn Buôr còn giữ được gần 20 ngôi nhà dài theo kiến trúc cổ, với các vật dụng trang trí đặc trưng như ghế K’pan, ché rượu cần, cồng chiêng…

Là một trong những người sở hữu ngôi nhà dài đẹp nhất buôn, ông Y Ngue ở buôn Nui cho biết: “Sau một ngày lao động vất vả, nhà dài là nơi gia đình, bà con tụ họp để cùng nhau sẻ chia kinh nghiệm làm ăn, vui buồn trong cuộc sống. Hiện nay, cuộc sống ngày càng phát triển, thế nhưng người dân trong buôn vẫn duy trì nếp nhà dài, bằng việc cố gắng tu bổ, sửa chữa để lưu giữ lâu dài”.

Còn ông Y Khía ở buôn Buôr cũng cho hay: “Nếp nhà dài có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng, nên phải gìn giữ và phát huy những giá trị vốn có của nó. Nhà dài mất thì cồng chiêng, hát aray, dệt thổ cẩm… cũng mất theo luôn nên phải làm như thế nào để lớp trẻ hiểu và yêu nếp nhà dài như chính cuộc sống của mình vậy”.

1 nhận xét

 
© Tin Tức Tây Nguyên | VĂN HÓA Ê ĐÊ ĐẮK LẮK BUÔN MA THUỘT
Designed by KNUL - Laptop daklak - Thực hiện viết bài KNUL - Thiết kế và quản lý bởi thiet ke web buon ma thuot
Trở về TOP