6/3/15

Hy vọng của chúng tôi

Vậy là sau ba tháng miệt mài, lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm đầu tiên của bà con người Châu Mạ tại xã Quảng Khê, và một lớp dệt nâng cao của người Mnông ở xã Đăk Ha ( huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông) đã kết thúc. Không chỉ 45 chị em hỷ hả với việc hoàn tất lớp học mà tôi cũng thấy niềm vui trong mình khó kìm giữ.



Nói ra thì dài dòng, nhưng trong suốt hơn 30 năm cặm cụi với việc sưu tầm, khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống, tôi đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, tham quan nhiều cơ sở dệt của tộc ngưòi K’Ho ở Lâm Đồng, người Bâhnar ở Gia Lai, người Sê Đăng ở Kon Tum, người Mnông ở Lăk…. Cả khóc lẫn cười trong những lần đi vận động mở lớp với bà con. Nhưng chỉ đến lần này, tôi mới thở phào và tạm yên tâm với những lớp dệt đã được tổ chức ở Đăk Glong. Bởi chẳng ai phủ nhận nghề dệt thổ cẩm Tây Nguyên thật tuyệt vời, nào là hoa văn hình con nhện, hoa, chim, bướm, cây thông…nào là màu sắc đỏ, đen, chàm, trắng…thật là sống động. Nhưng việc khôi phục và bảo tồn nghề thật sự thì hầu như chẳng có nơi nào quan tâm. Việc của các cơ quan chức năng là tổ chức các lớp truyền nghề, hết khóa cũng là xong việc. Thành tích báo cáo sẽ là khôi phục được nghề truyền thống thông qua việc mở hàng chục lớp dệt thổ cẩm…Chỉ vậy thôi ! Còn nghề có được khôi phục thật hay không? Bà con có sống được với nghề hay không, lại chẳng phải việc của họ.Thế nên khi tôi đi vận động mở lớp nâng cao, bà con bảo “ Không học nữa đâu chị ơi. Ngồi còng lưng dệt mấy ngày mới được một tấm vải, bán rẻ người ta cũng không mua . Học làm gì cho mất thời gian. Đi hái cà phê thuê còn nhiều tiền hơn” .



Đến những cơ sở dệt thổ cẩm được gọi là thành công, thấy họ chỉ đơn giản mua lại vải giá rẻ như cho của bà con rồi mang đi chế tác lại thành sản phẩm gì đó? Ở tận đâu đó? Chứ không hề nghĩ tới việc tạo thêm thu nhập phụ cho đời sống bà con lúc nông nhàn.


Tôi cũng từng “ kêu” với ai đấy rằng “ Xin hãy giúp chị em làm ra sản phẩm, thì nghề dệt mới tồn tại được”. Nhưng hầu hết đều trả lời : nhiệm vụ của cơ quan chỉ là mở các lớp dạy nghề để bảo tồn thôi ( kể cả các quỹ Quốc tế mà tôi đã có dịp được cộng tác)


Thế nên khi huyện Đăk Glong nhất trí về việc sau khảo sát là truyền dạy nghề, sau truyền dạy nghề là làm sản phẩm mới , tôi mừng muốn “ hết lớn” . Huyện tổ chức cho một số nghệ nhân và cán bộ xã đi tham quan nghề dệt của người Chăm ở Ninh Thuận, về chị nào cũng phấn khởi và tin rằng người Tây Nguyên cũng có thể làm được như người Chăm, miễn là có người tạo mẫu, hướng dẫn cắt may.


Và kết quả là chúng tôi “ trình” lãnh đạo huyện trong ngày bế mạc 6 mẫu áo váy thời trang nam nữ, 4 túi và 2 mặt gối từ sản phẩm dệt của chính lớp học. Tính khả thi của dự án bây giờ ai cũng thấy rành rành. Vui hơn nữa là tôi nhận được sự tán đồng hết lòng của một số trí thức ( còn rất ít ỏi) người Châu Mạ, ở ngay tại Quảng Khê, để rồi việc thành lập một Hợp tác xã dệt thổ cẩm ở huyện Đăk Glong, hoàn toàn của người dân tộc bản địa, đã là một sự thật bằng văn bản hồ sơ đặt trên bàn các cơ quan chức năng.


Mọi việc chưa phải có thể ngay lập tức tiến hành, nhưng hy vọng thì đang tràn đầy trong chúng tôi. Sẽ không đơn thuần chỉ là khôi phục, làm sống lại một nghề truyền thống, mà còn mở ra những khả năng vươn xa hơn cho thổ cẩm Mnông và Châu Mạ…niềm vui cứ lưu lại mãi trong tôi là thế !

Xuân Tân Mão đã mở ra cho những người yêu thổ cẩm Tây Nguyên ở Đăk Nông một niềm hy vọng lấp lánh sáng.
Vĩ thanh : Vô bệnh viện thăm người nhà ốm, gặp cả Thiếu tướng Y Blok Êban cũng mới cấp cứu vài giờ. Thở không ra hơi, mà khi biết tôi vừa xong mấy lớp dệt thổ cẩm ở Đăk Nông, chú hổn hển bằng cái giọng tiếng Kinh không sõi, rằng “ Cháu ơi, cố gắng lên nhé ! Cháu không làm thì có ai bây giờ mà giữ lấy vốn văn hóa quý của ông bà mình xưa”. Tôi tự dưng ứa nước mắt, nhớ Cha. Những lớp cán bộ lão thành như ba tôi, như chú Y Blok…đăm đắm một niềm tin vào lý tưởng vì dân tộc mình mà cống hiến. Tôi có học được điều gì ở cha, chú không? Rồi sau tôi, có người Tây Nguyên nào tiếp tục con đường ấy không? Bởi nói thì dễ lắm, nhưng làm cho được , đâu phải là một sớm, một chiều….Lực bất tòng tâm !

0 nhận xét

 
© Tin Tức Tây Nguyên | VĂN HÓA Ê ĐÊ ĐẮK LẮK BUÔN MA THUỘT
Designed by KNUL - Laptop daklak - Thực hiện viết bài KNUL - Thiết kế và quản lý bởi thiet ke web buon ma thuot
Trở về TOP