26/4/16

Chanh trĩu cành



Giao mùa ở cao nguyên thường vào tháng tư của năm. Thời tiết những ngày này thật khắc nghiệt. Cái nắng nóng khủng khiếp luôn gầm gừ đe dọa con người suốt cả ngày. Càng về cuối chiều ông trời càng giận dữ cầm từng chảo lửa hắt xuống mặt đất. Ấy thế nhưng sáng sớm lại tỏ ra an ủi con người bằng cách se se lạnh, đủ bắt phải mặc thêm một chiếc áo mỏng làm duyên khi chạy xe ngoài đường. Chưa tỏ mặt người. Ngôi sao mai cô đơn cố tận dụng những giây phút cuối cùng của bóng đêm để tỏa nốt chút ánh sáng rực lên trên vòm trời còn mờ mờ tối. Gió man mát. Hơi rùng mình. Ông Chiến ngồi xuống gờ vườn hoa, lấy khăn lau mồ hôi trên mặt, trên cổ sau quãng đường từ nhà ra tới bùng binh với cái mâm bánh cặp ngang hông. Không xa lắm. So với thời bộ đội hành quân qua rừng Trường Sơn thì chưa thấm tháp gì. Nhưng tuổi đã xấp xỉ 80 rồi, ông đâu còn khỏe nữa.

Cẩn thận cuộn tấm nilong mờ hơi nước vì bọc mâm bánh nóng. Những chiếc bánh tiêu vẫn còn hôi hổi. Ông Chiến bưng chiếc mâm tiến về chỗ đám xe thồ đang túm tụm bên kia đường, đợi chuyến xe cuối cùng từ Sài Gòn về lúc mờ sáng nhả khách.

- Bánh tiêu nóng mấy chú. Mua ủng hộ lão già nhé. Ăn sáng cho ấm bụng. Có khách rồi về.

- Ăn bánh đi mấy cha. Bánh tiêu ông già ngon lắm đó.

- Cho tui hai chiếc bố già.

- Tui nữa nè, hai chiếc lun.

- Ông già gân sao lại làm cái việc bán bánh của đàn bà vậy ?

- Mỗi người một hoàn cảnh mà anh. Tôi đi bán cũng có sao đâu.

- Anh mới ra đứng đây chưa biết. Bà vợ ổng đau ốm liên miên. Hai ông bà chỉ trông vô mâm bánh đó rau cháo hàng ngày thôi.

- Ủa chớ con cái ổng đâu?...........

Năm 1975. Thượng sỹ Duy Chiến rời đơn vị lính vận tải Trường Sơn xuất ngũ. Về làng với tấm giấy chứng nhận thương binh. May mà không sứt mẻ chân tay gì. Chỉ di chứng bị sức ép của pháo bầy, làm mỗi khi trở trời ngực ông đau nhói. Những lúc đất trời giao mùa như thế này, ông thường thở rất khó khăn. Cứ như có một ngọn lửa đốt trong lồng ngực với từng hớp không khí ngắn. Khò khè thở cũng mệt chứ đừng nói đến lao động chân tay

Quê Chiến, gió Lào cát trắng, nơi thắt eo nhỏ nhất của thân thể dáng hình chữ S, từng là cái túi đựng nhiều bom đạn nhất suốt 21 năm đất nước chia cắt thành hai miền. Cha mẹ đã mất trong một trận máy bay Mỹ trút bom thừa xuống làng trước khi bay trở ra biển. Đứa em duy nhất sống sót, năm 7 tuổi, là một trong hàng ngàn đứa trẻ được đưa ra phía bắc ăn học trong chủ trương “ còn người còn của” . Đến ngày chấm dứt đạn bom, vẫn không có chút tin tức nào. Được sự đóng góp của cả dòng họ, Chiến dựng lại túp nhà tranh trên đám đất cũ nám cháy đen. Thăm hỏi họ hàng xóm giềng vãn. Túc tắc làm vài vạt rau, tìm kiếm và chờ đợi thông tin về đứa em trai mà mãi vẫn chưa có sự hồi âm nào. Hai năm. Vẫn không nhận lời tham gia Đảng ủy hay chính quyền địa phương. Chiến quyết định đi tìm lại Thương, cô thanh niên xung phong quê Thái Bình đã từng hẹn thề với nhau trên rừng Trường Sơn ngày nào.

Chuyến ấy xe Chiến hỏng, cố chạy đuổi theo đội hình đơn vị đến cách suối Đăk T’ri chừng hơn 1km nữa thì tiếng máy bốc khói và im bặt. Đã tang tảng sáng. Mặt trời đã ràng rạng hồng nơi cuối rừng. Biết đại đội thanh niên xung phong ở gần, Chiến tạm ngụy trang xe rồi chạy bộ tìm sự giúp đỡ. Người đầu tiên Chiến gặp là Thương, trực đếm bom hôm ấy. Cô gái xuất hiện chắn ngang đường chạy, khiến Chiến sững sờ quên cả việc mình định nhờ vả. Chiếc thắt lưng bó gọn tấm thân mảnh mai trong tà áo lính màu cỏ úa, quần đen xắn đến quá gối, chiếc mũ tai bèo rủ xuống quanh khuôn mặt xinh xắn, với nước da nâu hồng hào. Lại còn đôi mắt sáng tự tin và thông minh, lông mày là hai đường cong tuyệt đẹp. Như một bông hoa lạ giữa rừng. Trông cô ấy vừa duyên dáng lại vừa rất oai phong.

- Anh muốn chết à? Chúng rải bom hôm qua,chưa rà phá hết đấy.

- Tôi cứ tưởng xong rồi, định cố rút ngắn thời gian lại mà xe chết máy. Đại đội vượt đường cả rồi, còn mình tôi thôi.

- Thế anh bỏ của chạy lấy người a? Một đống xương máu của bà con chúng ta ngoài Bắc đấy ông ạ.

- Thế mới phải chạy đến nhờ các cô xúm đẩy hộ vào rừng để mà ngụy trang và sửa xe . Chứ để lồ lộ vậy chắc chắn thế nào cũng bị thằng OV10 nó chỉ điểm. Mất cả xe lẫn hàng như chơi. Mẹ nó chứ !

Chuyến ấy không chỉ đẩy giúp xe quặt vô một quãng rừng, mà cả tiểu đội con gái còn xúm lại làm “ cố vấn” cho Chiến sửa xe. Họ quen nhau từ đấy.

* *

Trường Sơn vào sâu mùa khô. Những cánh rừng khộp khô khốc khoe vẻ đẹp của mùa lá rụng. Đỏ ối trên cành, đỏ sậm phủ đầy mặt đất. Gió bỡn cợt tung lá đỏ bay phất phơ. Rừng như quang hẳn đi mặc dù những cây cỏ xước bò lan trên mặt đất vẫn xanh rờn. Đường Hồ Chí Minh tấp nập quân đi đông vui như bây giờ thiên hạ rủ nhau đi lễ hội. Câu hát của nhạc sỹ Hoàng Hiệp “ gặp em trên cao lộng gió/ rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ” liên tục vang lên như phương tiện làm quen của những người phơi phới tuổi đôi mươi. Đại đội thanh niên xung phong của Thương án ngữ chỗ cua tay áo ở quãng suối Đăk T’ri. Con suối mùa mưa ăm ắp nước. Thậm chí có khi lũ về như một con trăn khổng lồ ào ạt trườn đến, quăng mình vụt đi. Nhưng mùa khô lại chỉ còn là một dòng chảy nhỏ, rụt rè vờn quanh những tảng đá xám.

Ngày này qua ngày khác . Cứ 9 giờ sáng là con người và con đường cùng dường như nằm im nín thở vì tiếng ầm ù và sau đó là hàng tấn bom dội xuống. Âm thanh chát chúa. Mùi khói bom khét lẹt. Bụi mù đến không nhìn thấy cả cảnh vật xung quanh. Đất đá văng tứ tung cao hàng thước, rơi xuống như một cơn mưa. Đường bị khoét nham nhở thành những hố lớn nhỏ, như một vết thương bị hoại tử khiến trở thành lở loét. Nhiều đoạn đường bị băm nát, cắt khúc, cầu phà bị sập, cây rừng cháy rụi. Tuổi trẻ hăng máu. Chẳng ai ngán bom đạn, pháo bầy. Câu chuyện về sự hy sinh của 10 cô gái Đồng Lộc hay hang 8 Cô … chỉ làm cho chị em cắn chặt răng, nén nỗi xót thương, chứ hết đợt bom lại tay xẻng tay cuốc lao ra bám mặt đường ngoan cường với tinh thần “địch phá ta sửa ta đi”, thách thức “địch cứ phá, ta cứ đi”, đảm bảo đêm đến toàn tuyến thông tuyến cho từng đoàn xe lại nối đuôi nhau hướng ra tiền tuyến chi viện cho chiến trường.

Không có gì mà các cô gái thanh niên xung phong đại đội của Thương chưa từng trải qua. Không chỉ mắt tinh, tai thính đếm bom đánh dấu cho công binh rà phá, san lấp mặt đường sau mỗi trận bom cày. Mà còn cả mặc áo trắng lội giăng hàng ngang con suối Đăk T’Ri mùa nước đầy làm cọc tiêu cho xe qua ngầm trong đêm. Rồi ván kê vai để bộ đội hành quân cắt đường qua đầm lầy Ia San vào tuyến; Sơ cứu thương binh bị thương xong tiếp tục khiêng võng chuyển về trạm xá. Thậm chí chặt cây, leo lên lợp mái lán, chọc tiết lợn, sửa xe cút kít, mài cuốc xẻng … cũng vẫn là chị em. Bởi thanh niên xung phong rất ít con trai …

Một đám con gái hơ hớ xuân xanh không ngại bom đạn gian khổ, nhưng lại khóc thầm vì tóc rụng từng đám vương đầy gối. Dòng Đăk T’ri trong xanh là thế, nay chị em đặt cho cái tên là “suối tóc rụng”, chắc chắn bị ngấm bom hóa học do máy bay ném xuống, nên tóc của tất cả chị em các đơn vị đóng quân dọc suối cứ thế thưa dần, rồi rụng hết. Mái tóc của Thương ngày ở nhà mẹ nâng niu toàn bẻ bồ kết, lá bưởi, lá sả vườn nhà nấu nước cho gội, dài đến tận khoeo chân, dày đầy hai chét tay mới nắm hết. Sau mấy năm ở rừng Trường Sơn, chỉ còn lại một mớ lỏng lẻo chẳng vừa một bàn tay. Không chỉ mình Thương, mà nhiều chị em khác đã phải tiếc nuối cắt ngắn đến mang tai để cho dễ chải và cảm giác đỡ rụng. Mỗi khi đi qua con đường này, mọi chiến sỹ lái xe có điều kiện đều có quà là những chùm bồ kết rừng để các cô gái gội đầu.“Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/Ngày bom vùi tóc tai bết đất”. Câu thơ cảm thán ấy của một nhà thơ nào đó diễn tả thật đúng cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn của lực lượng thanh niên xung phong trên toàn tuyến. Sốt rét, tóc rụng, bòn từng lon gạo nấu cháo hay ăn rau rừng lót dạ, nhiều bạn nữ sức vóc nhỏ con có lúc đã lả đi. Cả bầy con gái thui thủi một lũ trong rừng không một mống đàn ông suốt mấy năm trời! Đơn vị Thương chỉ mới lây khóc tập thể chứ chưa bị như ở Ia Đra, mấy chục đứa con gái phát cuồng, lúc ôm nhau cười mãi không thôi, lúc xé hết quần áo kéo nhau chạy tồng ngồng giữa rừng như những con điên.

Khổ nhất là cái Huyền đang lén lút làm cái việc bây giờ thanh niên gọi là “tự sướng” bên con suối sâu tít trong rừng mà vẫn bị bắt gặp. Suốt ba đêm liền, từ sau bữa ăn tối cho đến gần sáng, Huyền bị cả trung đội nữ kiểm điểm gay gắt, với hàng chục lời sỉ vả. “Ghê tởm, thật ghê tởm!” “ Suy đồi đạo đức! Bêu xấu hình ảnh cả đội ngũ thanh niên xung phong đã tình nguyện hy sinh vì đất nước” , “ không làm chủ được mình, đi ngược lối sống tốt đẹp của tuổi trẻ nơi chiến trường ”; thậm chí cực đoan hơn “ xử bắn con đĩ bẩn thỉu ấy đi!”…. ….Cắn chặt răng lại mà nguyền rủa bạn. Có đứa phát biểu xong ngồi thụp xuống ôm mặt khóc. Có đứa bỏ chạy ra ngoài. Chỉ huy quát hỏi thì nói “ xấu hổ cho tất cả quá!”. Sang ngày thứ tư, không chờ đồng đội kết tội và ra án kỷ luật, Huyền, cô gái Hà Đông có gương mặt tròn xinh như một con búp bê, “con đĩ bẩn thỉu ” ấy đã tự treo cổ trên cành cây ngay chỗ bị bắt gặp.*
Cả tiểu đội của Thương vừa khóc vừa lặng lẽ làm nốt những công việc cuối cùng cho bạn. Không dám giữ lại ba lô để sau này chuyển cho gia đình như mọi trường hợp hy sinh khác ( vì biết nói với mẹ thế nào đây?) . Họ lấy tăng bọc cẩn thận tấm thân con gái thịt da trắng ngần, chỉ đôi bàn chân, bàn tay móng ngấm đầy đất đỏ. Đặt toàn bộ tư trang của Huyền xuống huyệt. Kể cả đôi dép cao su, cuốn truyện cổ Andexen, chiếc lược bằng duyra và cái gương nhỏ chị em cũng không giữ lại. Đánh dấu trên đầu mộ bằng một tảng đá to mấy người vần mới chuyển. Phủ kín lên đủ các loại hoa rừng có thể kiếm được. Những câu lẩm bẩm cứ tuôn chảy “Tội nghiệp nó! Họ bảo thì bọn mình phải kiểm điểm, chứ thương lắm!”. “Khối đứa như thế. Chỉ có không ai biết thôi”….

Nơi đóng quân của đại đội Thương ở giữa thung, cách con suối Đăk T’ri một đoạn không xa lắm. Mùa nắng ở Tây Nguyên kéo dài sáu tháng. Suối gần như cạn khô. Nước hiếm và nhiễm độc, nhưng ai cũng nghĩ đơn giản “ nước chảy đi cơ mà. Có đọng lại đâu mà sợ”, vì nhiệm vụ với con đường huyết mạch nên vẫn phải ở, phải dùng. Hàng chục cái giếng chị em thay nhau đào tới hai, ba mét bên bờ suối mà vẫn không vét đủ nước để ăn, còn đâu cho việc tắm giặt. Có lần, mấy bạn trực cả tuần trên đồi không được tắm, khi về chỉ được để phần một bi đông nước uống, phải chờ múc hàng tiếng mới thêm một ít nước để dùng. Thanh niên xung phong trên toàn tuyến truyền cho nhau kỹ thuật tắm bằng cách thấm nước lên người, bôi đến đâu kỳ cho “ghét” rơi ra đến đó, nếu chưa đủ, vận động mạnh đợi mồ hôi ra kỳ tiếp. Con bé Hà hát chèo hay nhất tiểu đội, tự giễu bằng nhại lời một bài hát “Cò chết còn để chút lông…” rằng “Cò tắm còn hết một xoong/ Chứ chị tắm thì một bi đông cũng thừa!”. Chắc anh nhà thơ nào đấy nghe thấy sẽ thương chứ chẳng nỡ trách chị em.

Tắm gội đã thế. Giặt quần áo cũng là cả một kỳ công của con gái. Trước tiên phải gấp và nhẹ vặn xoắn lại rồi mới đem nhúng vào vũng nước nào còn sót, sau đó mang ra bên cạnh vắt. Cứ để xoắn nguyên thế, tiếp tục nhẹ nhàng dìm xuống cho ngấm nước, rồi lại ra chỗ khác vắt. Làm vài lần đến khi nước cạn sạch, chẳng còn giọt nào nữa thì coi như đã giặt xong.

Mùa nắng ở Tây Nguyên khô khỏng đến vậy. Mùa mưa cũng kéo dài sáu tháng, con gái khổ kiểu khác. Mưa chợt đến chợt đi chẳng làm chị em rời mặt đường. Nhưng kể cả những ngày không có mưa thì trong rừng già cũng đầy sương mù tích lại chảy thành giọt trên lá, rơi tí tách suốt như mưa dầm. Quần áo ngày nào ra hiện trường cũng phải thay vì lấm lem đất đỏ, giặt rồi phơi cả tuần cũng không khô. Áo ngực càng khổ, cái nào cũng chần chỉ dày như mo nang nên hong hai tuần vẫn âm ẩm. Mặc dù bếp đơn vị nào cũng phải thiết kế nơi sấy cho chị em, nhưng quần áo cả trong ngoài chưa kịp khô, còn ẩm mà vẫn phải thay mặc hàng ngày. Đến tháng còn khổ hơn. Vải xô màn là thứ quý nhất. Tiêu chuẩn được phát ai cũng như nhau. Bị nhiều,dùng rách hết thì xé quần áo mà lót. Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng khi đến kỳ là “ chuyện thường ngày ở Trường Sơn”. Không thuốc men, không điều kiện tắm rửa kỹ lưỡng. Khổ hơn là bệnh ghẻ lở hắc lào bám riết. Chúng len lỏi vào mọi ngóc ngách và các vùng ẩm ướt, kẽ bàn tay, bàn chân, háng, nách, bẹn… đều có. Biết các cô gái bị những vết loét, nhưng y tế tuyến trên chỉ có thuốc đỏ để gửi cho họ. Đến nỗi cái Minh tiểu đội 3 quê ở Hải Dương bị nấm ăn núm vú. Bắt gặp nó dấm dứt khóc lén, Thương kéo ra bờ suối gạn hỏi :

- Có chuyện gì thì nói ra để chị em chia sẻ chứ? Yêu anh nào à? Hay dại dột có chửa rồi?

- Tớ bị lở hết đầu ti rồi Thương ơi. Sau này về chẳng thằng nào nó thèm lấy. Có chồng, sinh con làm sao cho bú được.

- Xời ơi ! Phải nói để y tá cho thuốc chứ

- Làm chó có thuốc gì? Toàn thuốc đỏ sao khỏi. Thủ trưởng biết lại phê bình làm yếu tinh thần đồng đội. Nhưng mà ngứa với đau không thể chịu nổi .

Thương lén vẫy y tá đến xem cho Minh, thì hỡi ôi, đã quá muộn, cụt mất núm vú rồi. Y tá phải theo kinh nghiệm dùng lá dã quỳ để làm vết loét khô đi.

Con gái đang xuân thì. Ở nhà ăn chưa no, lo chưa tới. Ở rừng cái đói gặm mòn cơ thể. Tiêu chuẩn lương thực rất cao, mỗi người 24 cân một tháng. Nhưng do những trận bom dội liên tục ngày đêm, nên gạo thường thiếu hoặc không đến được. Khẩu phần ăn giảm sút nghiêm trọng, có lúc chỉ còn bốn cân cho một người, có khi phải ăn cháo. Muối và rau xanh không chỉ thiếu mà gần như không có. Thương và mấy bạn có biệt tài tìm các loại rau và măng rừng. Các cô còn có thể phân biệt được không chỉ rau độc mà cả những loại rau nào bị nhiễm chất hóa học, nên được đặt biệt danh là “các bà chúa rau”. Có giỏi gì đâu, cứ rình lũ thú rừng, lá nào chúng ăn là không có độc. Thiếu nước, thiếu rau, thường xuyên phải uống nước suối, nên nhiều khi thèm quá, chị em chặt cây chuối rừng, bóc lấy nõn chia nhau để ăn. Mỗi người được nhận một khúc, dùng tay đo để những khúc chuối ấy không dài hơn nhau, không ai phải tị nạnh. Đôi khi học các bạn giao liên người dân tộc, đặt bẫy được cả thú rừng để cải thiện bữa ăn, nhất là khỉ, dù các cô rất thích nuôi, nhưng không đủ lương thực và việc giết thịt như thế lúc đầu ai trông cũng thấy có vẻ dã man.

Vậy mà chẳng ai bỏ trận địa. Và yêu đời lắm. Lán con gái giữa rừng nhìn biết ngay, vì treo đầy phong lan. Mỗi lần có hoa nở là cả tiểu đội vui như được quà tết. Hết mùa cũng vẫn có hoa chuối rừng đỏ tươi dắt cửa lán. Thích nhất là những lúc hoa săng lẻ trắng, hoa lộc vừng đỏ rụng như tấm thảm lững lờ trôi trên mặt suối, cả lũ khỏa trần như tiên nữ tắm giữa bồn hoa. Xong một đợt san đường. Ai mệt quá thì ngủ. Còn thường thì đám con gái quây quần quàng vai nhau, hết chèo lới lơ Thái Bình, đến hát xá chầu văn Nam Định, lẫn mời trầu quan họ Bắc Ninh, cả đến ví dặm Nghệ Tĩnh, hát xoan Phú Thọ lẫn ca khúc…những câu hát trong veo tràn trề tình yêu như “ tay bưng chén muối đĩa gừng/ gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”; hay “ cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ hai đứa ở hai đầu xa thẳm”. Không cần giọng hay giọng dở. Hát đúng hay hát sai. Chẳng tính dân ca hay nhạc mới. Ai thuộc bài gì thì hát bài ấy. Những cuộc hát đã trở thành huyền thoại Trường Sơn. Thậm chí cánh lái xe chỉ mong vì bất cứ lý do gì, được chờ ở suối Đăk T’ri chứ không phải chỗ khác, để được hát với chị em thanh niên xung phong một buổi.

Thế nhưng đừng có mà chọc giận bầy con gái. Một anh chàng ở tiểu đội của Chiến vốn nghịch ngợm. Hôm trên đường vào, thấy chị em đang tháo nước trên mặt đường xuống rãnh cậu ta vừa nhấn còi toe toe hết cỡ vừa bất ngờ cho xe tăng tốc, té đầy bùn lên đầu tóc quần áo, làm cả tốp thất kinh nhảy dạt sang lề đường.Vậy là căn đúng ngày xe quay ra, gần cả trung đội một hàng dài toàn quần đùi áo cộc xanh màu lá, đứng sẵn hai bên ngầm. Một tiếng hô “ hai ba nào …!” lập tức hàng chục cái xẻng nhất loạt té nước bùn lên cửa ca bin khi xe đang chầm chậm bò qua, lái xe như ướt con chuột bị lột da!

Tiểu đội Thương cũng là đơn vị đầu tiên ở Trường Sơn tìm ra quy luật hoạt động của máy bay địch để lên kế hoạch san lấp, sửa chữa đường nhanh chóng hơn. Đó là khi nào không thấy các loại máy bay quần đảo liên tục, bầu trời im ắng khác thường thì thế nào B52 cũng xuất hiện. Lúc đó mọi hoạt động phải dừng lại trong vòng 30 phút, rút khỏi trọng điểm để vào hầm trú ẩn. Đã thành phản xạ tự nhiên, cứ tiếng bom dứt là lao ngay ra mặt đường, vì chỉ được an toàn trong vòng 20 phút là lại tiếp đến đợt bom khác. Máy ủi, tay người cùng nhau khẩn trương san lấp, phá bom nổ chậm rồi cùng lập tức rút ngay. Ngược lại địch cũng thâm hiểm, biết được các đơn vị TNXP thường làm việc vào ban đêm. Vậy là nhiều ngày liên tiếp cứ chiều muộn chúng mang bom tai hồng, mìn díp, mìn lá rải đầy đường. Mìn lá nhìn chẳng khác những cái lá khô, mìn díp lại giống hệt con cờ cá ngựa, hai thứ đó rất khó phòng ngừa, dẫm phải thì chỉ có tháo khớp chân. Chị em bảo nhau phải ra lúc trời chưa tối hẳn để nhìn cho rõ đường, nhặt sợi tơ của bom bi dây, mìn lá, bom tai hồng, mìn nhíp ném xuống vực và thường nhắc nhở nhau cẩn thận. Nhưng bóng chiều chập choạng làm khó phân biệt, đã có những đôi chân nát nhừ hay đầu gối bầm dập. Đôi khi dày đặc quá, đành bỏ dở đấy, chờ máy gạt đi trước đè bẹp mìn lá mới san lấp được hố bom. Cuộc sống của nữ thanh niên xung phong Trường Sơn những ngày ấy là thế.

* *

Ngôi chùa nhỏ cũ kĩ như những con người ngụ trong ấy. Một vòng rào tre bao quanh. Ẩn kín mát rượi gió bên bờ dòng sông nặng đỏ phù sa. Cánh cổng gỗ khép hờ màu sơn đã bợt bạt, mọt ăn thủng lỗ chỗ, sẵn sàng rít lên kèn kẹt báo hiệu khi có người đụng đến. Chùa nhiều cây quả. Có hai cây vối và một cây ngọc lan cổ thụ tỏa bóng rợp cả vạt sân trước. Hoa hải đường đỏ,cúc vạn thọ vàng, mẫu đơn hồng, bụi sả xanh chạy bao quanh chân tường. Vườn sau rộng, cam, bưởi, đào, mận vài cây, cành quấn quít giao nhau. Đặc biệt là cây chanh tứ quý ra quả quanh năm, cành nặng la đà võng xuống mặt đất. Cận tết quả vàng trong đám lá xanh. Xuân sang đào hồng, mận trắng ken dày như vầng mây. Các sư nữ đủ quả và hoa quanh năm đặt vào đĩa bày lên ban thờ. Sát tường cuối vườn là những cây xoan đào được chăm chút tỉa cành cho thân thẳng tắp. Mùa đông, quanh gốc hoa tím rụng đầy. Sư thày bảo xoan với tre dành để khi cần tu sửa chùa. Bảng lảng thoảng nhẹ khói nhang và hương hoa. Không gian thanh tịnh, sâu kín.

Sư trụ trì từng là một cựu nữ thanh niên xung phong đóng quân ở tuyến lửa Quảng Bình. Xuất ngũ hai năm sau ngày đất nước thống nhất. Sư thày xuống tóc năm tròn 21 tuổi. Cho dẫu chẳng một lời giải thích nhưng cả nhà có căn tu tại gia, nên gia đình cũng chấp nhận. Ngôi chùa cưu mang nhiều mảnh đời bất hạnh bị xã hội lãng quên và một vài cựu nữ thanh niên xung phong quanh vùng không tái nhập được với cuộc sống mới. Họ trồng rau, chăm sóc hoa, làm đậu phụ, bánh đúc, nuôi lợn gà bán chợ quê. Lặng lẽ với nhịp sống xa cõi tục.

Chiến bước vào sân chùa đã nhận ngay ra Thương trong bộ áo xám đang quét sân.Thay cho chiếc mũ tai bèo năm nào là cái mũ len cũng màu xám. Dẫu đã phôi phai nhưng vẫn là gương mặt đã khiến anh choáng ngợp giữa rừng năm ấy.

- Thương ơi !

- Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát. Xin thí chủ xưng hô với người tu hành theo đúng cách của nhà Phật.

- Anh đến làng người ta nói gia đình em không còn ai. Em xuống tóc đã gần mãn năm. Anh xin lỗi, vì phải tìm kiếm đứa em trai vẫn còn đang thất lạc nên không thể đến ngay với em như lời hẹn được. Em khỏe không?

- Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát. Xin thí chủ cho bần tăng được bình an nương náu nơi cửa thiền.

- Anh đến để xin sư trụ trì cho được đón em về. Có lẽ nào một cô gái xinh đẹp, từng luôn vui tươi, tràn đầy năng lượng như em, lại có thể sớm chiều đốt hương, gõ mõ tụng kinh, quét chùa được?

- Mô Phật. Bần tăng đã cạn duyên đời, bén duyên Phật rồi.

- Nếu anh phản bội em, phản bội lời hẹn thề ở Trường Sơn năm nào, em mới có thể chọn chốn tu hành náu nương. Nhưng anh đã nói rồi, bởi cha mẹ mất , chỉ còn một cậu em trai đang lưu lạc nơi nào chưa rõ. Nên hôm nay anh mới có thể đến tìm em được. Xin em. Hãy cho cả hai chúng ta một cơ hội bắt đầu cuộc đời mới. Chúng ta xứng đáng được có sau những gì đã cùng trải qua mà Thương.

- Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát. Xin thí chủ đừng vật nài, ảnh hưởng đến tâm tu của các sư nữ.

Ni cô quay người xách cây chổi lên, nhẹ bước như lướt qua sân về phía sau chùa.

Chiến vào thẳng chính điện tìm gặp sư trụ trì. Lặng lẽ chiêu nước vối vàng sánh như mật ong ra những chiếc bát gốm. Sư thày lắng nghe toàn bộ câu chuyện của Chiến, rồi nhỏ nhẹ :

- Nhà chùa đồng ý với thí chủ rằng hai người, cũng như những ni cô đang ăn mày cửa phật ở chùa này, đều xứng đáng được có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng như ai cũng nên có cơ hội để bắt đầu một điều gì đó. Nhưng số phận mỗi người đều có căn duyên. Thí chủ hãy để cho nhà chùa trò chuyện lại với ni cô Thích Tâm Thương. Nếu có duyên, nhà chùa xin ủng hộ.

Ở lại xã một tuần. Năm ba lần qua lại. Với cả lời khuyên giải của sư thày, cuối cùng Thương cũng đồng ý . Ba tháng sau,nhà chùa làm một lễ hằng thuận giản dị do sư thày chủ trì để Đức Phật chứng giám cho hai người, cùng với sự chứng kiến của các tăng ni phật tử, cả những đồng đội một thời ở Trường Sơn. Sau khi cùng quy y Tam bảo và thọ trì Tam Quy Ngũ Giới, cuối buổi lễ đức chư tôn cùng đại chúng làm lễ niêm hương bạch Phật và chúc phúc cầu nguyện cho đôi tân lang tân nương trăm năm hạnh phúc. Thương theo Chiến về quê.

* *

Ở làng. Đất ruộng còn đầy rẫy bom mìn. Tìm kiếm em trai vẫn bặt vô âm tín. Vợ chồng Chiến Thương đem nhau vào Tây Nguyên. Không đủ sức lao động để mua đất trồng cà phê, chỉ làm thuê, cuốc mướn. Nương nhờ đồng đội vài năm. Cuối cùng cũng gom góp được tiền mua một căn hộ nhỏ chỉ hơn hai mươi mét vuông, cuối một con ngõ sâu hun hút ở ven thành phố cao nguyên ồn ào sôi động. Nhưng dường như con quỷ chiến tranh không muốn buông tha những kẻ đã từng chạm vào nó. Gia đình ngày càng kiệt quệ vì hàng ky lô những tờ đơn thuốc nho nhỏ cho cả cha mẹ lẫn con.

Ông Chiến được coi là người khỏe nhất trong gia đình, là lao động chính, bởi chỉ sang chấn của sức ép bom đạn khiến ông thở khè khè mỗi khi chuyển mùa. Bà Thương sau này báo đài nói nhiều mới biết, nhiễm chất độc da cam do chung sống khá lâu với nước của “ suối rụng tóc”, chân mỗi ngày một thêm teo tóp. Trời Phật thương tình, mãi gần chục năm sau ngày cưới mới cho Chiến Thương một báu vật. Ngày bà Thương sinh, ông Chiến trồng ngay cổng một cây chanh lấy giống tận chùa quê. Hương hoa chanh xuân gợi nhớ làng quê Bắc bộ. Quả sai chi chít. Nhưng Hoàn, đứa con gái duy nhất mắc bệnh máu trắng, năm nào cũng vài tháng nằm viện để thay máu. Thân thể con bé từ khi sinh ra đến khi thành thiếu nữ thường bị những vết bầm tím và chỉ va chạm nhẹ cũng dễ dàng chảy máu. Ăn ngủ ít, liên tục giảm cân. Đêm đến thường vã mồ hôi và sốt. Ấy vậy mà Hoàn vẫn bất chấp tất cả để lớn lên và rất nỗ lực học tập. Từ tiểu học cho đến hết cấp ba, không xuất sắc nhưng con bé đều đều lên lớp và luôn là học sinh tiên tiến. Có một giọng hát khá truyền cảm, đỗ vào khoa sư phạm âm nhạc trường trung cấp Đam San, con bé được thỏa nỗi đam mê trở thành cô giáo. Học đàn, đọc nhạc, là các môn học mà bố mẹ nông dân chẳng có chút năng khiếu nào để giúp được, thế nhưng Hoàn lại luôn đạt điểm cao. Âm nhạc trở thành niềm vui lớn của cả cô bé lẫn gia đình. Đi học thì thôi, về nhà con bé luôn cố gắng đỡ đần mẹ những việc nho nhỏ theo sức mình như quét nhà, tự giặt quần áo, rửa bát đĩa. Tối tối, sau khi học bài, Hoàn thường đàn và cùng hát với ba mẹ những ca khúc thời chiến tranh chống Mỹ. Căn nhà nhỏ đầy ắp bệnh tật và thuốc uống, thuốc tiêm nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương lẫn niềm vui. Cô bé dấu những cơn đau để cha mẹ khỏi lo lắng. Hai ông bà già tạo mọi nụ cười để con gái thêm niềm vui sống. Ba con người gày gò, bệnh tật, già nua, dựa vào nhau, sống vì nhau, vui cho nhau.

Biết hoàn cảnh, cô chủ nhiệm và bạn bè trong lớp rất thương. Ngày ngày các bạn thay nhau đến chở Hoàn tới lớp. Những lúc phải nằm viện, bạn chép hộ bài, thày cô sẵn sàng phụ đạo thêm ngoài giờ để Hoàn theo kịp chương trình học và thi. Qua học kỳ hai của năm cuối, thấy con bé thường tích cực tham gia giúp đỡ phong trào thanh niên và văn nghệ phường, lại còn dạy hát dạy đàn cho bọn trẻ con nghèo quanh xóm, ông Phó chủ tịch ở gần nhà hứa khi nào học xong sẽ đặc cách xin cho dạy ở trường tiểu học thuộc phường. Nhưng còn một tháng nữa thi tốt nghiệp, Hoàn phải nhập viện và lần này thì gục hẳn. Nhìn thân hình con gái choắt lại như đưá trẻ lên mười, ông Chiến bà Thương ruột đau như cắt, không còn nước mắt để khóc. Từ lâu nay ông Chiến dành phần cho máu mỗi khi Hoàn cần, vì sợ bà Thương vẫn rất yếu. Các bạn cùng lớp cũng đã mấy lần hiến máu giúp Hoàn. Ngày thi tốt nghiệp các môn lý thuyết, ông Chiến cõng con vào lớp điểm danh, chép đề bài rồi lại phải đưa về viện. Buổi tối thi môn dàn dựng nghệ thuật thực hành, nhà trường gọi taxi chở Hoàn đến hội trường. Nhìn con bé ngồi say sưa hát, giơ tay múa theo các bạn trên sân khấu, ngực ông Chiến thắt đến nghẹn lại....Toàn bộ Hội đồng trường nhất trí cho Hoàn điểm khá những môn thi tốt nghiệp. Dường như chỉ chờ có thế. Một tuần sau, cô bé thanh thản vĩnh biệt 19 năm đớn đau của cõi tạm.

Một tháng sau. Xe chở Ban Giám hiệu trường Trung cấp Đam San và các cán sự lớp sư phạm nhạc dừng trước ngõ nhà ông Chiến. Cô hiệu trưởng nhỏ nhẹ :

- Thay mặt nhà trường, chúng tôi mang bằng tốt nghiệp của Hoàn đến …..

Tấm ảnh trên bàn thờ và trong bằng tốt nghiệp đều mang gương mặt cô gái cười roi rói.

* *

Bà Thương mỗi năm một khó đi lại. Đôi chân ngày nào bay nhảy khắp các cánh rừng Trường Sơn, nay còng quèo như những nhánh cây khô. Việc duy nhất bà có thể là để kiếm sống là xỏ đôi tay vào hai chiếc guốc gỗ mà ông Chiến đã đóng, lê thân hình vào bếp buổi tối để nhào bột và ủ, sớm tinh mơ chiên bánh tiêu. Ông lãnh việc mua nguyên liệu và mỗi sáng mang đi bán dạo. Nỗi đau trong họ dường như đã sắt lại, vón thành cục rỉ sét dính chặt vào tim óc. Hai tấm thân, hai tâm hồn mang đầy thương tích nương vào nhau, vì nhau mà tồn tại với một quyết tâm đến kinh ngạc.

Đất trời cao nguyên vẫn khó tính và thất thường nắng mưa như thế. Cây chanh đầu ngõ vẫn thơm ngát hương đồng quê Bắc bộ mỗi độ gió xuân tràn về. Trái lúc lỉu cành oằn xuống sát nền sân.

0 nhận xét

 
© Tin Tức Tây Nguyên | VĂN HÓA Ê ĐÊ ĐẮK LẮK BUÔN MA THUỘT
Designed by KNUL - Laptop daklak - Thực hiện viết bài KNUL - Thiết kế và quản lý bởi thiet ke web buon ma thuot
Trở về TOP